Sa Pa - Hạt nhân du lịch của vùng và cả nước
Sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các hoạt động kích cầu, hợp tác phát triển du lịch của thị xã Sa Pa và các địa phương đã sôi động trở lại. Tín hiệu vui về ngành “công nghiệp không khói” được kỳ vọng khởi sắc hơn nữa, khi Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đi vào cuộc sống.Sa Pa bồng bềnh trong mây. |
Sự cộng hưởng mạnh mẽ
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đang có những tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực kinh tế khác tại thị xã Sa Pa nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung. Nhìn tổng quan trên bản đồ du lịch của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh, Khu Du lịch quốc gia Sa Pa cũng ngày càng khẳng định thương hiệu.
Bên cạnh những thế mạnh về khí hậu, cảnh sắc, bản sắc dân tộc, khu du lịch này có lợi thế nằm ngay trung tâm của vành đai Đông Bắc - Tây Bắc và trên trục hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống hạ tầng kết nối giữa các địa phương trong vùng nói chung, với Sa Pa nói riêng ngày càng được quan tâm đầu tư. Đó là Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa, Cảng Hàng không Sa Pa đang được triển khai, trong tương lai sẽ tạo nhiều thuận lợi, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, đưa Sa Pa trở thành trung tâm và có sự cộng hưởng, gắn kết bền chặt với các “vệ tinh” du lịch trong vùng và cả nước.
Trở lại với những nội dung quan trọng được đề cập tại Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, theo đồng chí Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa, việc đẩy mạnh liên kết vùng - một trong những nội dung nổi bật, quan trọng được đề cập trong nghị quyết - sẽ mở đường cho những cơ chế, chính sách mới, tạo liên kết bền chặt, cùng phát triển giữa các địa phương. Về phía Sa Pa, địa phương được thụ hưởng từ sự gắn kết này nhưng cũng đặt ra nhiều trách nhiệm trong liên kết, hợp tác khi Sa Pa được đặt trong tổng quan của bản đồ du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ.
Du khách trải nghiệm vườn hồng mộng mơ Sa Pa. |
Thời gian qua, Sa Pa đã dành nhiều sự quan tâm cho việc hợp tác phát triển du lịch. Trong tỉnh, thị xã Sa Pa đã trao đổi, kết nối với một số huyện có nhiều tiềm năng như Bắc Hà, Bát Xát và liên kết, hỗ trợ huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) phát triển du lịch cộng đồng. Thị xã cũng chú trọng liên kết với những địa phương có nhiều điểm đến hấp dẫn tại Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh khu vực miền Trung...
Nghị quyết 11 với điểm nhấn về thay đổi tư duy liên kết vùng sẽ góp phần khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng, thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò của các địa phương trong hợp tác cùng phát triển. Đây cũng là “cơ hội vàng” để Sa Pa nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung phát huy vai trò cầu nối, phân phối và lan tỏa ngành kinh tế du lịch tới các địa phương; thực hiện liên kết, điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước với mục tiêu bảo đảm đủ năng lực đón 15 - 20 triệu du khách vào năm 2030.
Phát triển du lịch bền vững
Không chỉ tạo thay đổi trong tư duy để các địa phương cùng phát triển, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị còn định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Từ lâu, Sa Pa đã được biết đến là điểm đến thân thiện, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng. Việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa là định hướng dài lâu mà chính quyền và người dân nơi đây nỗ lực thực hiện.
Sản phẩm du lịch đậm sắc màu dân tộc luôn thu hút du khách khi đến Sa Pa. |
Đơn cử như hoạt động của Hợp tác xã Tả Phìn Xanh. Giám đốc Hợp tác xã, ông Trần Chí Thành khởi nghiệp từ năm 2014 với quy mô hộ gia đình. Thời điểm ấy, ông tập trung kinh doanh homestay, cung cấp dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ và dẫn khách tham quan, trải nghiệm bản làng. Sau khi thành lập hợp tác xã, việc khai thác các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch xanh vẫn là hướng đi lâu dài mà ông thực hiện.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Hợp tác xã Tả Phìn Xanh đã kết hợp với Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ triển khai tour tham quan, trải nghiệm, khám phá bản sắc các dân tộc ở Tả Phìn, với những điểm nhấn như tham quan tu viện cổ Tả Phìn; khám phá bản làng; trải nghiệm hái lá thuốc, làm thổ cẩm… Chỉ tính riêng dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Hợp tác xã Tả Phìn Xanh đón gần 2.300 lượt khách, doanh thu ước đạt 400 triệu đồng. Phần lớn du khách hài lòng với tour du lịch mới gần gũi với thiên nhiên.
Trong định hướng phát triển của tỉnh nói chung, của Sa Pa nói riêng đều đề cập tới mục tiêu phát triển Sa Pa thành khu du lịch quốc gia mang tầm cỡ quốc tế. Trong đó, hướng đến phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đòi hỏi có những giải pháp tổng thể, đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan. “Những định hướng của Nghị quyết 11 là “kim chỉ nam” để thị xã Sa Pa triển khai đồng hộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Việc đưa du lịch trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế sẽ được thị xã Sa Pa thực hiện trên nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc; đảm bảo hài hòa giữa khai thác tiềm năng du lịch với bảo vệ môi trường”, Bí thư Thị ủy Sa Pa, đồng chí Phan Đăng Toàn khẳng định.
Trên cơ sở này, thị xã xác định làm tốt một số vấn đề trọng tâm như quy hoạch và quản lý quy hoạch; huy động và bố trí nguồn lực đầu tư; có chính sách bảo tồn văn hóa và phát triển cộng đồng; nghiên cứu thị trường và các sản phẩm du lịch độc đáo. Tin tưởng rằng, từ những định hướng quan trọng và việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị sẽ tạo đà để du lịch Sa Pa vươn xa hơn nữa.