Nắm bắt thành công “cơ hội vàng” để phục hồi du lịch
Lào Cai vừa trải qua kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao được tổ chức thành công. Nhờ đó, lượng khách đến Lào Cai tăng kỷ lục, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói”.Kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 4 ngày được ngành du lịch Lào Cai và các địa phương sớm nhận định là “cơ hội vàng” để thu hút khách, bởi thời điểm đầu mùa hè là mùa cao điểm du lịch của cả thị trường nội địa và quốc tế. Hơn nữa, hoạt động du lịch được mở cửa hoàn toàn trở lại chưa lâu, rào cản dịch bệnh gần như được gỡ bỏ, trong khi đa số người dân đã quá “bí bách” vì bị “kìm chân” suốt thời gian dài do dịch Covid-19.
Chủ động nắm thời cơ giúp du lịch Sa Pa tăng trưởng nhanh trở lại. |
Nắm cơ hội này, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức những sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc để kích cầu du lịch dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5.
Thị xã Sa Pa đã tổ chức chương trình Lễ hội mùa hè - Sa Pa Summer Festival, năm 2022 với nhiều hoạt động ấn tượng, khác biệt và hấp dẫn. Cũng là lễ hội đường phố như những năm trước, nhưng năm nay được làm mới với nhiều tiết mục đặc sắc do nghệ sỹ không chuyên của các đội văn nghệ dân gian thuộc nhiều xã trên địa bàn thị xã biểu diễn. Chương trình lễ hội đường phố diễn ra trên các tuyến phố chính, tạo không khí vui tươi, sôi động. Điểm nhấn của lễ hội đường phố năm nay là điệu múa trống truyền thống của dân tộc Dao đỏ và phân cảnh biểu diễn tập quán đi chợ phiên, uống rượu ngô, tục kéo vợ của đồng bào Mông được tái hiện chân thực ngay trên đường phố Sa Pa.
Du khách Victoria Wiberg đến Thụy Sĩ tâm sự: Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khi đến Việt Nam, tôi chọn Sa Pa là điểm dừng chân đầu tiên. Thật tuyệt khi chứng kiến lễ hội vui nhộn và độc đáo như thế này.
Ngoài lễ hội đường phố, chợ tình Sa Pa mỗi tối thứ Bảy cũng được tái hiện ở sân khấu ngoài trời cùng sắc màu thổ cẩm do chính người Mông bản địa biểu diễn. Lễ cưới, lễ rước dâu của người Dao, người Giáy được sân khấu hóa thành những phân cảnh đặc sắc, tự nhiên như chính phong tục truyền thống của người dân nơi đây.
Với lượng khách kỷ lục (ước đạt 98 nghìn lượt) trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, tăng 257,8%% so với kỳ nghỉ lễ 10/3 trước đó. Sa Pa trở lại nhịp sống trước đây, dường như dịch Covid-19 đã qua đi ở “thành phố trong sương”.
Tại huyện Bảo Yên, việc kích cầu, thu hút khách du lịch dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 được thực hiện với Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Bảo Yên năm 2022 với chuỗi sự kiện trải rộng từ Bảo Hà, thị trấn Phố Ràng, Xuân Thượng đến Nghĩa Đô. Đây là lần đầu tiên huyện Bảo Yên tổ chức tuần lễ văn hóa, du lịch quy mô lớn, dày đặc sự kiện, mang đậm sắc màu văn hóa các dân tộc với mong muốn thu hút khách, từng bước đưa du lịch trở thành lĩnh vực đột phá.
Sau khi trải nghiệm một số hoạt động văn hóa tại xã Nghĩa Đô, chị Mai Thị Tuyết cho biết: Tôi là người Lào Cai nhưng đã chuyển về Hà Nội sống và làm việc nhiều năm, khi biết huyện Bảo Yên tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch, tôi cùng gia đình chọn Bảo Yên làm điểm đến trong tuần dịp nghỉ lễ 30/4. Tôi rất thích phong cảnh, con người, văn hóa, ẩm thực của người dân nơi đây.
Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Bảo Yên được đánh giá là thành công. Ước tính có hơn 50.000 lượt người dân và du khách tham gia trải nghiệm 30 sự kiện và hoạt động ở các xã, thị trấn.
Ngoài thị xã Sa Pa và huyện Bảo Yên, thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát cũng có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách, góp phần phục hồi du lịch. Với những hoạt động đa dạng, sáng tạo, đa sắc màu văn hóa, toàn tỉnh ước đón hơn 148.000 lượt khách trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, tăng 190% so với kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2022 và tăng 123% so với cùng kỳ năm 2021.
Du khách tham gia lễ hội đường phố ở thị xã Sa Pa. |
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Chúng tôi đã nhận định và nắm bắt thành công “cơ hội vàng” để phục hồi và phát triển du lịch với chuỗi sản phẩm mới, đặc sắc, gần gũi, đem đến những trải nghiệm thú vị cho du khách. Đặc biệt, thành công của ngành du lịch có sự đóng góp rất lớn của các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Nhờ đó, các sản phẩm du lịch của Lào Cai được khai thác trên tinh thần vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, vừa tạo sự khác biệt.
Mặc dù được đánh giá thành công với lượng khách tăng kỷ lục, nhưng ngành du lịch Lào Cai và các cấp, các ngành liên quan cũng cần nhìn nhận và sớm có giải pháp để giải quyết những bất cập, hạn chế. Đó là việc khan hiếm phòng nghỉ ở các khu du lịch trọng điểm mỗi dịp lễ hội, cuối tuần; tình trạng ách tắc giao thông, việc phân luồng phương tiện giao thông, thiếu điểm đỗ xe ở các khu du lịch; nhiều địa phương chưa tổ chức hoạt động thu hút khách trong mùa cao điểm du lịch; sự quá tải của các khu du lịch trọng điểm trong khi nhiều địa phương có tiềm năng nhưng vẫn vắng bóng du khách…
https://baolaocai.vn/bai-viet/356068-nam-bat-thanh-cong-co-hoi-vang-de-phuc-hoi-du-lich