Tái cơ cấu nền kinh tế dựa vào doanh nghiệp
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành, trong đó đặt lực lượng doanh nghiệp vào vị trí chủ công.Mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, bao gồm khoảng 60 nghìn đến 70 nghìn doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; ít nhất có 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.
Mục tiêu tham vọng này được đặt ra trong bối cảnh vị thế của nền kinh tế Việt Nam ngày càng được cải thiện trong sân chơi toàn cầu. Năm 2022, Việt Nam có bảy doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do tạp chí Forbes (Mỹ) công bố. Ngày càng nhiều doanh nghiệp được định giá tỷ USD, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư cũng như kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại của dòng chảy tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đông về số lượng mà chưa mạnh về chất lượng. Cả nước có khoảng 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng 96% có quy mô nhỏ và vừa, chỉ 4% số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Những năm gần đây, doanh nghiệp tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đóng góp khoảng 40% GDP, thu hút 85% lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực kinh tế có tốc độ tăng năng suất thấp nhất so với kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Năng lực khoa học-công nghệ của doanh nghiệp tư nhân, nhất là công nghệ lõi còn hạn chế, tính liên kết yếu. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực còn nhỏ bé cả về lượng và chất, tư duy kinh doanh còn manh mún, ngắn hạn. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước nắm phần lớn nguồn lực vật chất và lao động nhưng hiệu quả hoạt động chưa tương ứng với tiềm lực, chưa đáp ứng yêu cầu là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.
Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế ở giai đoạn hiện nay, trọng trách được đặt nặng lên vai lực lượng doanh nghiệp, không chỉ từ tăng số lượng doanh nghiệp mà phải mạnh về tiềm lực, sức cạnh tranh. Muốn vậy, Chính phủ cần thực hiện có hiệu quả những giải pháp hỗ trợ cộng đồng sản xuất, kinh doanh phục hồi sau tác động bởi dịch Covid-19, đồng thời, tăng cường kiên kết giữa các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị và quan trọng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phát triển doanh nghiệp.
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/tai-co-cau-nen-kinh-te-dua-vao-doanh-nghiep-694408/