Đẩy mạnh hợp tác tài chính-ngân hàng giữa các nước ASEAN
Ngày 8/4 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 8 và các hội nghị liên quan. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đại diện cho Bộ Tài chính Việt Nam tham dự các hội nghị.Các hội nghị liên quan bao gồm: Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 26 và phiên đối thoại giữa các Bộ trưởng và Thống đốc với lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế (Phó Giám đốc điều hành IMF, Giám đốc điều hành WB, Chủ tịch ADB, Chủ tịch AIIB, Giám đốc AMRO).
Tại phiên đối thoại, lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế đã chia sẻ nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực ASEAN, đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo quá trình phục hồi bền vững, hạn chế các tác động rủi ro trái chiều.
Nhận định về các rủi ro tác động tới khu vực, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, các yếu tố xung đột địa chính trị tại châu Âu, giá dầu và các nguyên liệu tăng cao, sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và dòng thương mại, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc là những yếu tố có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi của kinh tế khu vực.
Các tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị các nước cần tiếp tục ưu tiên mở rộng bao phủ vaccine làm nền tảng cho phục hồi kinh tế bền vững, điều chỉnh chính sách phục hồi phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia, trong dài hạn cần giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế, tiếp tục triển khai các chính sách tái cơ cấu, tăng đầu tư cho sức khỏe, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng xanh.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 26, các Bộ trưởng đã nghe báo cáo tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác tài chính trong khuôn khổ các ủy ban công tác ASEAN.
Các Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác trong việc triển khai các mục tiêu hợp tác, như phát triển mạng lưới hiệp định thuế song phương (DTA) giữa các nước thành viên ASEAN lên đến 72 hiệp định, nhiều nước thành viên đã tham gia vào Khung khổ thực hiện BEPS của G20/OECD, triển khai Chương trình doanh nghiệp ưu tiên ASEAN (AEO) tại 7 nước thành viên, chương trình Trao đổi tờ khai Hải quan điện tử ASEAN (ACDD) với 6 nước thành viên ASEAN.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 8, các Bộ trưởng và Thống đốc đã có phiên đối thoại với các cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, ASEAN – Hoa Kỳ, ASEAN - EU về các vấn đề quan tâm của khu vực doanh nghiệp trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và quản lý nền kinh tế số.
Hội nghị hoan nghênh những tiến bộ nổi bật trong các sáng kiến tự do hóa dịch vụ tài chính, đặc biệt là việc khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Canada và đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand và đề nghị Ban thư ký ASEAN phối hợp với các nước khẩn trương triển khai ký kết Nghị định thư thực hiện Gói 9 về Tự do hóa dịch vụ tài chính trong thời gian phù hợp. Trên cơ sở đồng thuận chung, các Bộ trưởng và Thống đốc đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 8.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ những nhận định của các tổ chức quốc tế, các Bộ trưởng và Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN về những thách thức đối với kinh tế toàn cầu và khu vực và giải pháp phục hồi kinh tế, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine, làm nền tảng cho việc phục hồi các hoạt động kinh tế.
Về các hoạt động hợp tác và hội nhập tài chính ASEAN, Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác trong các lĩnh vực hợp tác tài chính và đề nghị các nhóm công tác tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác hiệu quả, đặc biệt là các hoạt động triển khai cơ chế Một cửa ASEAN, trao đổi dữ liệu thông tin giữa các cơ quan bảo hiểm, hải quan, thuế ASEAN.