Châu Âu đối mặt khó khăn kép

Nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ rơi vào thế gọng kìm khi lạm phát tăng nóng nhưng tăng trưởng trì trệ. Các nhà hoạch định chính sách của khối đang đứng trước bài toán khó là làm sao xoa dịu cơn bão giá mà không cản trở đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Lạm phát trong tháng 3 vừa qua tại các nước thành viên EU chạm mức kỷ lục mới. Theo số liệu sơ bộ của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại Khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng lên 7,5%, phá vỡ kỷ lục 5,9% trong tháng 2. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp lạm phát của Eurozone lập những kỷ lục không mong đợi, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1997. Tại một số quốc gia thành viên, lạm phát đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí lên đến hai con số như Litva với 15,6%, Estonia 14,8% và Hà Lan 11,9%. Lạm phát tại đầu tàu kinh tế Đức cũng ở mức ngất ngưởng 7,6%.

Lạm phát phi mã không còn là câu chuyện mới đối với các nước thành viên “mái nhà chung” EU, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng tăng chóng mặt nhiều tháng qua. Giá năng lượng trong tháng 3 vừa qua tăng 44,7% so cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, mặc dù giá năng lượng nhảy vọt là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao, song lạm phát cũng đã phủ bóng nhiều mặt hàng khác. Trong tháng 3, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tại Eurozone đều tăng 5%, trong khi giá quần áo, ô-tô, máy tính và sách tăng 3,4%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá cả tăng nhanh trên diện rộng chứ không chỉ gói gọn trong giá năng lượng. Vì vậy, “cơn bão giá” tại EU có thể sẽ tiếp tục kéo dài, nghiêm trọng hơn dự kiến và khó có thể sớm đổi chiều.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde (C.La-gác-đơ) nhận định, ba yếu tố chính khiến lạm phát tại EU tăng nóng thời gian tới là: Giá năng lượng và lương thực tiếp tục “leo dốc” cùng nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được tháo gỡ.

Tuy nhiên, lạm phát phi mã không phải nguy cơ duy nhất nền kinh tế EU đang phải đối mặt, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa được như kỳ vọng cũng là bài toán khó tìm lời giải. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni mới đây khẳng định, xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến con tàu kinh tế Eurozone ì ạch hơn. Mặc dù khẳng định không có khả năng rơi vào suy thoái kinh tế, song ông Gentiloni cho rằng, mức dự báo tăng trưởng 4% năm 2022, được đưa ra trước khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát, sẽ phải điều chỉnh giảm.

Cùng quan điểm với ông Gentiloni, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã kìm hãm đà phục hồi hậu Covid-19, phủ gam màu xám lên bức tranh kinh tế EU.

Theo giới phân tích, bối cảnh kinh tế hiện nay có thể khiến người tiêu dùng châu Âu bi quan hơn và cắt giảm chi phí hằng ngày. Chi tiêu sụt giảm từ các hộ gia đình sẽ ảnh hưởng nền kinh tế, bởi các doanh nghiệp bán được ít hàng hóa hơn, dẫn tới thiếu tiền trả lương cho nhân viên và các dự án đầu tư cũng bị trì hoãn.

Theo ECB, nền kinh tế Eurozone tăng trưởng dương nhưng ở mức thấp trong quý I/2022, trong khi mức tăng trưởng quý II dự báo gần như bằng 0. Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, là một trong những thành viên ghi nhận nhiều triển vọng u ám. Hội đồng cố vấn kinh tế độc lập của Chính phủ Đức mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Đức xuống 1,8%, giảm mạnh so mức 4,6% đưa ra hồi tháng 11 năm 2021. Theo hội đồng nêu trên, sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga có thể dẫn đến rủi ro đáng kể cho nền kinh tế Đức.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát tăng nhanh có thể đặt EU vào thế gọng kìm, đẩy ECB vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt, nếu ECB thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đưa lạm phát về mức tiêu chuẩn 2% thì đà phục hồi kinh tế sau đại dịch có thể sẽ bị chặn đứng.

Hơn nữa, nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao tại EU hiện nay chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài, nên các công cụ kiềm chế lạm phát của ECB có thể không phát huy nhiều tác dụng. Ở chiều ngược lại, nếu ECB nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì sẽ khiến lạm phát ngày càng “nóng”. Tuy nhiên, trên thực tế, ECB đang duy trì lãi suất ở mức thấp nhất lịch sử. Do vậy, dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa cũng không còn nhiều.

Châu Âu đang trong giai đoạn khó khăn kép, vừa phải hạ nhiệt tình trạng lạm phát phi mã, vừa đau đầu tìm lời giải cho bài toán phục hồi kinh tế. Có lẽ lâu rồi các nhà lãnh đạo EU mới lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/chau-au-doi-mat-kho-khan-kep-692108/

 
Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.