Thúc đẩy công tác xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch
Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. (Ảnh minh họa)
Theo đó, kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chỉ được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch; không được sử dụng để chi hoạt động quản lý bộ máy của Quỹ và chi cho các mục đích khác. Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chi được sử dụng để hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thực hiện nhiệm vụ do các tổ chức, doanh nghiệp về du lịch chủ trì, đề xuất (hỗ trợ tối đa 1 hoạt động và 1 lần trong năm)....
Thông tư hướng dẫn chi tiết đối với các nội dung chi xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong đó, chi tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam như tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài (tổ chức chương trình triển lãm, hội nghị, hội thảo, họp báo, tọa đàm, lễ hội văn hóa du lịch); các sự kiện về du lịch, văn hóa, thể thao và sự kiện khác giới thiệu về ẩm thực, văn hóa, con người Việt Nam; chi công tác phí cho thành phần đoàn tham gia.... Chi tham dự hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài. Chi phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên quốc gia, khu vực và quốc tế.
Chi quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện quảng cáo, truyền thông, tại các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao quan trọng của Việt Nam; tổ chức hội nghị, hội thảo, họp báo và các sự kiện xúc tiến du lịch; chi tổ chức khảo sát sản phẩm du lịch, điểm đến Việt Nam cho các hàng lữ hành, vận chuyển du lịch, báo chí, diễn giả, chính trị gia, nhà hoạt động xã hội, nghệ sỹ, nghệ nhân, doanh nhân, nhà đầu tư, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng tìm hiểu thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về thương hiệu du lịch Việt Nam. Chi tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên vùng, liên địa phương ở trong nước.
Nội dung phát triển marketing điện tử phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được hướng dẫn trong Thông tư. Theo đó, có nội dung chi hỗ trợ xây dựng và duy trì cổng thông tin quảng bá và giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch; chi xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển các ứng dụng cho thiết bị di động thông minh; chi quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội và các ứng dụng tìm kiếm.
Tổ chức sản xuất ấn phẩm, vật phẩm phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng, phát triển, truyền thông thương hiệu Du lịch Việt Nam.
Về nội dung chi hỗ trợ phát triển du lịch, Thông tư hướng dẫn chi tiết việc hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về du lịch trong việc nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch ở trong nước và ngoài nước; xây dựng, triển khai đề án, dự án, chương trình về phát triển sản phẩm du lịch, mô hình phát triển sản phẩm du lịch mới ở trong nước; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và phát triển du lịch; hỗ trợ xây dựng, in ấn tài liệu phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch trước khi cung cấp sản phẩm du lịch.
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch trong việc triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng cũng là một trong những nội dung được hướng dẫn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch có hiệu quả, không trùng lặp với các chương trình, dự án khác; đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.