Củng cố niềm tin của Nhân dân với Ðảng
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Kết luận số 21 ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII, những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng, qua đó củng cố hơn niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.Khai thác và chế biến khoáng sản là lĩnh vực thường có nguy cơ xảy ra tham nhũng, nên được các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. |
Ngày 24/3/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 38 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Giai đoạn 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cuối năm 2015 đã ban hành Đề án số 18- ĐA/TU về “Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020” (Đề án 18). Đề án số 18 đã xác định các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, thực hiện, sau 5 năm triển khai được đánh giá có hiệu quả, tạo sự chuyển biến từ nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Quá trình triển khai Đề án số 18 đã có nhiều cách làm mới, hiệu quả, đơn cử như việc hằng năm tổ chức ký cam kết trách nhiệm của cấp ủy và bí thư đảng ủy, bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và 28 tổ chức, đơn vị có liên quan về phòng, chống tham nhũng. Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường xây dựng, ban hành, triển khai các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó nhiều văn bản quy phạm có tính sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như Ban Nội chính Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành Quy định về cơ chế bảo vệ người tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm khuyến khích, hỗ trợ và bảo vệ người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, kết luận của Thanh tra Chính phủ và thực hiện nghiêm yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong kiểm tra, thanh tra việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được dư luận xã hội quan tâm.
Phát huy kết quả đạt được, ngày 11/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Đề án số 16 về “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025” (Đề án 16). Với Đề án 16, Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu triển khai việc đăng ký, cam kết hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, gắn trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện; phối hợp Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đưa nội dung thực hiện đề án vào chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tổ chức kiểm tra, giám sát theo nhiệm kỳ và thực hiện hằng năm.
Các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ tỉnh, cấp ủy các cấp đã triển khai, cụ thể hóa việc thực hiện Đề án 16 tại cơ quan, địa phương. Từ cuối năm 2020 (thời điểm Đề án 16 được ban hành) đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 28 văn bản lãnh đạo về công tác kiểm tra, giám sát, trong đó có nhiều nội dung đảm bảo thực hiện đồng bộ, toàn diện các mục tiêu của Đề án 16. Riêng năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã ban hành 25 văn bản triển khai thực hiện, triển khai nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đến các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Công tác phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.
Ngoài Đề án 18 và Đề án 16, những năm qua, Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Với vai trò chủ trì triển khai thực hiện đề án, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện các giải pháp căn bản, như thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng về thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, từng bước làm cho cán bộ, đảng viên “không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không cần tham nhũng”. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nêu cao ý thức đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đề cao. Nhiệm vụ của công tác tuyên truyền còn là đẩy lùi, tiến tới loại bỏ tư tưởng cho rằng đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng sẽ “làm chậm phát triển”, “hạn chế sức sáng tạo”, làm “nhụt chí” cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cùng với đó, gắn chặt công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mang lại hiệu quả cao, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội, công tác tổ chức, cán bộ. Một trong những giải pháp được tiến hành đồng bộ là đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng; người đang có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực. Phối hợp chặt chẽ công tác này với hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Để đảm bảo sự đồng bộ, công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục phát huy vai trò của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan dân cử, cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, nhà báo, các tầng lớp Nhân dân trong giám sát, thông tin, phản ánh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các hành vi tiêu cực, lãng phí.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, phấn đấu đưa Lào Cai thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
https://baolaocai.vn/bai-viet/353764-cung-co-niem-tin-cua-nhan-dan-voi-ang