Phát triển KTXH hài hòa với thiên nhiên, môi trường chính là con đường để người dân có được ấm no, hạnh phúc và bình yên thực sự *
Ngày 6/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại Lễ phát động "Tết trồng cây đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Nhâm Dần năm 2022. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.Thưa quý vị đại biểu,
Thưa đồng bào, đồng chí!
Hôm nay, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, chúng ta tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Nhâm Dần năm 2022 với một tình cảm thiêng liêng, bởi đây chính là vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nhớ lại câu thơ nổi tiếng của Bác Hồ tại Lễ phát động Tết trồng cây đầu tiên năm 1959:
"Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân".
Lời dạy của Bác đã trở thành lời hiệu triệu thúc đẩy phong trào "Tết trồng cây" lan tỏa rộng khắp các địa phương toàn quốc trong mấy thập kỷ qua.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin gửi tới đồng bào và chiến sỹ cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ và các địa phương; các cụ, các bác, các anh, các chị và các cháu thanh niên, học sinh có mặt tại đây lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.
Thưa đồng bào, đồng chí!
Vào ngày 19 tháng 9 năm 1954, chính tại vùng đất thiêng này (cụ thể là tại Đền Giếng) Bác Hồ đã căn dặn cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Giữ nước ở đây không chỉ là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, mà hiểu rộng ra còn bao hàm bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, giữ gìn môi trường trong lành, sinh thái. Chính vì vậy, lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn luôn quan tâm, chú trọng tới việc trồng cây, gây rừng, làm đẹp cảnh quan và điều kiện sống trong lành, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Nhân loại đang đứng trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản. Việc trồng rừng, bảo vệ rừng, rõ ràng vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược đối với cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững đất nước.
Trong mấy thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều chương trình trồng rừng, phục hồi rừng, thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Riêng năm 2020, 2021 nước ta đã xuất khẩu sản phẩm gỗ từ gỗ rừng trồng đạt gần 30 tỷ USD.
Chỉ thị 45, ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tổ chức phong trào tết trồng cây và tăng cường bảo vệ phát triển rừng để thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây vì "một Việt Nam xanh".
Ngày 1/4/2021 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số 524 với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.
Tôi rất vui mừng trước kết quả đạt được năm 2021, cả nước trồng được 210 triệu cây, đạt 115% kế hoạch.
Một số địa phương có kết quả trồng cây xanh năm 2021 tốt như: Nghệ An (7,3 triệu cây); Thanh Hóa (5,3 triệu cây); Lâm Đồng (4 triệu cây); Hà Tĩnh (3,3 triệu cây); Quảng Nam (3 triệu cây); Cà Mau (3 triệu cây); Cao Bằng (3 triệu cây), nhiều địa phương khác trồng trên 2 triệu cây như Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ngãi, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc... Toàn tỉnh Phú Thọ của chúng ta trong năm 2021 trồng được 1,5 triệu cây xanh.
Một số mô hình, cách làm hay như thầy trò Trường Marie Curie từ "Một mẩu rừng cho bạn" đến trồng xong 2 vạn cây xanh tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và tiếp tục cam kết đồng hành trong những năm tiếp theo.
Như dự án VARS Góp 1 cây để có rừng của các cá nhân: Dự án phi lợi nhuận "Trồng và Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh" vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa. Năm 2021, VARS đã kêu gọi "Góp 1 cây để có rừng" trồng được 80 ha cây bản địa ở đầu nguồn Sông Gianh, tiếp tục đặt mục tiêu trồng ít nhất 100 ha trong năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình Vì một Việt Nam xanh: Tập đoàn Novaland cam kết trồng 50 triệu cây xanh tại Lâm Đồng. Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam trồng mới 30 triệu cây xanh. Tập đoàn điện lực EVN cam kết sẽ trồng trên 1 triệu cây xanh. Công ty cổ phần Than Đèo Nai (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) có kế hoạch trồng 1,2 triệu cây đến năm 2025,....
Tôi nhiệt liệt biểu dương các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã tích cực hưởng ứng chương trình trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Và đề nghị có các hình thức khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức cá nhân tiêu biểu trong thực hiện chương trình Vì một Việt Nam xanh.
Theo kế hoạch đề ra, từ năm 2022 - 2025, trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020. Đây là một nhiệm vụ nặng nề, chúng ta phải rất quyết tâm mới có thể đạt được. Thông thường các chính sách đề ra năm đầu làm tốt, những năm sau sẽ lơ là hơn nếu chúng ta không tạo thành một phong trào sâu rộng, không đôn đốc, kiểm tra giám sát.
Cần lưu ý rằng chất lượng rừng tự nhiên hiện tại của Việt Nam vẫn còn thấp; nhiều khu vực rừng phòng hộ vẫn chưa phát huy đầy đủ chức năng; tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị và nhiều khu vực nông thôn vẫn còn thấp so với mức tiêu chuẩn quốc gia và thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với việc trồng cây, trồng rừng là rất quan trọng.
Chính vì vậy, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, các đơn vị quân đội, công an, các cơ quan, các chùa, nhà thờ, thánh thất, các anh, các chị, các cháu thanh niên, thiếu nhi cả nước hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng ngay từ những ngày đầu xuân.
Yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền về chương trình "Vì một Việt Nam xanh"; xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, kể cả phát động phong trào thi đua để mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây để xanh đường, xanh nhà; trồng rừng, bảo vệ, chú ý đến trồng rừng phòng hộ các khu vực đầu nguồn, biên giới, ven biển, hải đảo, quan tâm, chăm sóc, giữ gìn để cây phát triển tốt, Bác Hồ nói "phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình".
Cần khuyến khích các hình thức, cách làm sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó chú trọng đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ trong tạo giống cây, trồng cây, trồng rừng; gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với phát triển dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống. Phấn đấu chủ động trên 80% gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Đời sống nhân dân hiện nay tốt hơn rất nhiều do chúng ta trồng rừng, kể cả những tỉnh miền núi xa xôi như Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Kạn.
- Tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và không sử dụng gỗ bất hợp pháp, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật, rừng bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngành nông nghiệp và các địa phương cần có kế hoạch hướng dẫn cụ thể, tổ chức tốt việc hướng dẫn cung ứng giống các loại cây phù hợp với từng vùng. Riêng tỉnh Phú Thọ trồng ít nhất 2 triệu cây xanh trong năm 2022 như kế hoạch đề ra bởi vẫn còn nhiều tiềm năng về đất đai. Các tỉnh, thành phố cả nước cũng cần rà soát kế hoạch để triển khai tốt hơn, nhanh hơn.
Thưa đồng bào, đồng chí!
Xuân mang đến tiết trời ấm lên, cho cây lá sinh sôi nảy nở, cho chúng ta những hy vọng mới, với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tôi tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, các địa phương vùng Tây Bắc, Đông Bắc của Tổ quốc sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực phấn đấu, vươn lên hơn nữa, góp phần cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu phát triển, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong sự nghiệp vĩ đại ấy, phát triển kinh tế xã hội hài hòa với thiên nhiên, môi trường chính là con đường để người dân có được ấm no, hạnh phúc và bình yên thực sự. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, tổ chức hãy đóng góp cụ thể, thiết thực thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 - Vì một Việt Nam xanh, góp phần xây dựng đất nước ta mãi xanh tươi và bền vững.
Một lần nữa, nhân dịp đầu xuân mới, tôi xin chúc đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ; các cụ, các bác, các anh, các chị, các cháu thanh niên, học sinh mạnh khỏe, hạnh phúc, năm mới với nhiều thắng lợi mới./.
Xin trân trọng cảm ơn!