Đổi công xây “biệt thự”
Trên vùng đất Dìn Chin (huyện Mường Khương) - nơi được ví như “Trường Sa cạn” lại mọc lên những “biệt thự” hoành tráng không khác nơi phố thị. Điều đặc biệt, tất cả “biệt thự” được chính những nông dân ở đây đổi công xây dựng.Thôn Lồ Sử Thàng nhìn từ trên cao. |
Ai đã một lần lạc bước tới Lồ Sử Thàng đều không khỏi ngỡ ngàng bởi thôn vùng cao không khác gì phố thị thu nhỏ. Đó là những căn nhà xây 2 - 3 tầng rộng hàng trăm mét vuông nối tiếp nhau từ đầu thôn đến cuối thôn. Nhiều căn nhà có thiết kế theo kiểu biệt thự, được sơn, trang trí tranh tường bắt mắt. Thôn Lồ Sử Thàng thay đổi đến ngỡ ngàng chỉ trong 7 năm trở lại đây với phong trào thi đua giúp nhau làm nhà.
Bí thư Chi bộ thôn Lồ Sử Thàng Lù Thị Câu “bật mí”, tất cả 63 căn nhà đã xây trong thôn đều do bàn tay của những “kỹ sư nông dân” thiết kế. Họ tham khảo mẫu thiết kế trên internet và trực tiếp xây dựng. Hầu hết đàn ông, phụ nữ trong thôn biết xây nhà hoặc chí ít cũng biết phụ vữa. Đội thợ cứ thế làm từ nhà này qua nhà khác. Đến nay, thôn đã có 63 nhà xây kiên cố, trong đó hơn 20 nhà 3 tầng, 38 nhà 2 tầng và 5 nhà cấp 4. Nhà ở đây không chỉ xây nhanh, xây to, mà chi phí thấp do người dân giúp nhau đổi công xây dựng. Dự kiến đến năm 2025, thôn Lồ Sử Thàng có 100% nhà ở kiên cố.
Nói về việc giúp nhau làm nhà, nhiều người già trong thôn Lồ Sử Thàng bảo, lệ “đổi công” chẳng biết có từ bao giờ nhưng được người Nùng gìn giữ và truyền từ đời này qua đời khác. Trước đây, việc khai phá đất đai làm ruộng bậc thang, cày cấy, gặt hái, dựng nhà, cưới hỏi… người dân đều giúp nhau. Khi có việc, chẳng ai bảo ai, mỗi người một tay, ai biết việc gì thì làm việc đó, tự giác làm. Gần đây, khi phong trào xây nhà kiên cố phát triển mạnh, lệ “đổi công” đã giúp người dân tiết kiệm được gần một nửa chi phí xây dựng.
Để nói về phong trào xây dựng nhà ở kiên cố, người dân Lồ Sử Thàng lật lại ký ức, kể cho chúng tôi về những biến cố khiến họ phải đổi thay. Ngay cả các cụ cao niên trong thôn cũng không biết người Nùng về định cư ở vùng đất này từ khi nào. Nhưng có những lần cả thôn bị giặc phương Bắc tràn về cướp bóc, đốt sạch nhà ở, họ vẫn kể cho con cháu nghe để ghi nhớ và cố gắng vươn lên. Không những thế, thôn Lồ Sử Thàng đã 3 - 4 lần bị mưa đá khiến nhiều căn nhà tốc mái, mái nhà lợp ngói âm dương vỡ vụn. Lần gần đây nhất là năm 2013, trận mưa đá, dông lốc khiến 4 nhà bị tốc mái hoàn toàn, hàng chục nhà bị vỡ hết ngói, thủng tấm lợp… đã khiến các hộ phấn đấu lao động, xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang.
Đời sống cải thiện, nhiều hộ đã xây được nhà cao tầng. |
Pha nước mời khách trong căn nhà 3 tầng, anh Tải Thền Quốc chia sẻ: Năm 2018, thấy nhiều nhà trong thôn xây to đẹp, tôi dùng toàn bộ số tiền tích cóp và bán 8 con bò, vay thêm anh em để mua vật liệu xây nhà. Ngoài 400 triệu đồng mua vật liệu, toàn bộ công xây nhà là do anh em họ hàng và bà con trong thôn chung tay giúp đỡ. Ở đây, cứ nhà nào mua vật liệu về khởi công xây dựng, người dân trong thôn sẽ tự đến giúp, không cần phải nhờ vả, ai biết việc nào thì giúp việc đấy, đến khi gia đình hoàn thiện phần thô của căn nhà. Về phần trát vữa và hoàn thiện, vợ chồng tôi một người phụ, một người trát khoảng 4 tháng thì xong. Nhờ có làng xóm giúp đỡ, tôi tiết kiệm được khoảng 300 triệu đồng tiền công. Đến nay, căn nhà hơn 150 m2 của tôi vẫn còn một số hạng mục như cầu thang, cửa sổ, sơn… chưa hoàn thiện, khi nào có tiền tôi sẽ làm tiếp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi xây nhà, anh Quốc chỉ biết phụ xây, nhưng nhờ xây nhà của mình, anh đã học hỏi và có thể đứng thợ chính. Từ đó đến nay, anh đã giúp gần 20 hộ xây nhà mới.
Biết chúng tôi muốn hiểu rõ hơn về việc xây nhà ở Lồ Sử Thàng, anh Quốc giới thiệu “sư phụ” của mình là anh Tải Thền Trung, người đã giúp anh từ phụ xây trở thành thợ chính. Tải Thền Trung là em ruột của anh Quốc. Gọi anh Trung là “kỹ sư nông dân” cũng không quá, bởi chẳng qua trường lớp nào, nhưng anh Trung đã thiết kế và xây dựng quá nửa số nhà trong thôn Lồ Sử Thàng. Tất cả kiến thức về xây dựng nhà ở của anh Trung được trau dồi từ quá trình gần chục năm đi theo các tốp thợ xây. Học nghề sửa chữa xe máy nhưng không kiếm được việc làm, năm 2010, anh Trung xin đi phụ việc cho các tốp thợ xây. Nhờ ham học hỏi, tiến bộ nhanh, anh được nhiều cai thầu tin tưởng giao làm thợ chính rồi truyền dạy kinh nghiệm, kiến thức xây nhà. Sau 5 năm bươn trải, học hỏi, năm 2015, anh Trung trở về thôn và đứng ra giúp anh trai xây căn nhà đầu tiên. Từ đó, anh Trung được người dân trong thôn tin tưởng nhờ xây nhà. Đến nay, anh Trung đã tham gia xây dựng hơn 30 căn nhà trong thôn. Ngoài anh Trung, thôn cũng có vài “kỹ sư” khác.
Khi tôi thắc mắc về thiết kế và kết cấu của những căn nhà, anh Trung tâm sự: Trước đây, việc xây dựng nhà ở đều do kinh nghiệm và kiến thức “học mót” của các cai thầu nhưng bây giờ, tất cả bản vẽ cấu tạo, chi tiết cốt thép gia cường cho các cấu kiện dầm, sàn, cột, móng nhà… và toàn bộ các vấn đề liên quan đến kỹ thuật thi công, nhằm đảm bảo khả năng chịu lực của ngôi nhà đều sẵn có trên internet, tôi chỉ cần tìm tòi, học hỏi là có thể áp dụng vào công trình.
Thấy chúng tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về những căn “biệt thự” nơi đây, Bí thư Chi bộ thôn Lù Thị Câu tiếp tục dẫn tới cuối thôn, đến nhà ông Ly Duy Thắng, chủ nhân của căn “biệt thự” đầu tiên được sơn màu, vẽ tranh trang trí tường, trần nhà đẹp nhất thôn. Căn nhà của ông Thắng được xây đầu năm 2019, gồm 3 tầng, 5 phòng ngủ, tổng diện tích hơn 200 m2.
Ông Thắng cho biết, ngoài sơn bắt buộc phải thuê vì trong thôn không ai biết làm, vật liệu phải mua, thì căn nhà được hoàn thiện nhờ sự giúp sức của bà con và kiến thức, kinh nghiệm, bàn tay khéo léo của những “kỹ sư nông dân” lành nghề trong thôn. Để xây được căn nhà khang trang theo kiểu biệt thự này, ông Thắng đã tích cóp từ bán gần 30 con trâu trong suốt 20 năm. Nếu tính cả tiền công xây nhà, vận chuyển vật liệu, chắc chắn căn nhà của ông Thắng có giá trị không dưới 1 tỷ đồng, nhưng thực tế, ông chỉ phải chi 600 triệu đồng mua vật liệu, 60 triệu đồng thuê thợ sơn.
Ông Thắng trải lòng: Người Nùng ở Lồ Sử Thàng vất vả bao đời, trải qua nhiều biến cố mới có được cơ ngơi như ngày nay. Người ta xây nhà to, bởi nghĩ xây để ở cả đời, khi con, cháu về quây quần ngày lễ, tết có chỗ nghỉ ngơi thoái mái. Khi có nhà ở khang trang, chúng tôi lại vận động nhau tích cực lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để có những căn nhà to, đẹp theo kiểu biệt thự như hôm nay, 79 hộ ở Lồ Sử Thàng đã phải nỗ lực lao động, sản xuất hàng chục năm. Những năm trước, thôn có khoảng 300 con trâu, bò, hiện chỉ còn 60 con vì diện tích chăn thả hạn hẹp, đồng thời đã bán bớt lấy tiền xây nhà. Không những thế, nhiều hộ cũng tích cực đi làm thuê lấy tiền xây nhà.
“Có những lúc nhìn từ trên cao, chúng tôi thấy thôn mình đẹp quá. Chúng tôi càng thêm yêu và tự hào khi đi ra ngoài được mọi người ngưỡng mộ vì là người dân Lồ Sử Thàng. Sắp tới, khi tuyến đường qua thôn được cứng hóa, chúng tôi sẽ vận động người dân trồng hoa, tạo cảnh quan, phát động phong trào sơn nhà”, Bí thư Chi bộ thôn Lồ Sử Thàng Lù Thị Câu nói.
Chính sự đoàn kết và nỗ lực lao động, sản xuất của người dân đã giúp thôn Lồ Sử Thàng vươn mình đứng dậy trước khó khăn, trở thành hình mẫu trong xây dựng nông thôn ở vùng cao Mường Khương. Thôn vùng cao Lồ Sử Thàng của người Nùng sẽ còn khang trang, hiện đại hơn bởi có rất nhiều “kỹ sư nông dân” lành nghề, còn người dân thì chăm chỉ, đoàn kết.
https://baolaocai.vn/bai-viet/352438-doi-cong-xay-biet-thu