Xây dựng trường mầm non an toàn, phòng chống tai nạn thương tích
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 45/2021/TT-BGDĐT quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.Trường mầm non an toàn là không có tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại, không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Theo Thông tư, tiêu chuẩn cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích là trong năm học, tại cơ sở giáo dục mầm non không có tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bị tai nạn thương tích nặng dẫn đến phải nằm viện hoặc tử vong; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử thiếu văn hóa, vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo; xảy ra ngộ độc thực phẩm hoặc có dịch bệnh lây lan trên diện rộng tại cơ sở giáo dục mầm non.
Thông tư quy định 5 nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non bao gồm:
1. Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn: Thường xuyên rà soát, kiểm tra chất lượng công trình, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, phương tiện, dụng cụ máy móc phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, phát hiện và xử lý kịp thời các hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng có nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ em. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bữa ăn bán trú bảo đảm thực hiện các yêu cầu, điều kiện và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: Tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông; phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em; phòng chống đuối nước; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
3. Hoạt động truyền thông: Tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ, biện pháp và kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích đối với trẻ em; về quyền trẻ em và những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu để xảy ra tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em.
4. Huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng rà soát, đánh giá các tiêu chí về trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; chủ động phối hợp khắc phục các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn; huy động sự tham gia của các đơn vị liên quan trong kiểm định chất lượng công trình, cơ sở vật chất theo quy định.
5. Giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ em: Lồng ghép giáo dục trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non.
Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo; Phòng Giáo dục và Đào tạo; cơ sở giáo dục mầm non và UBND các cấp. Trong đó, UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai, đôn đốc công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn; đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác xây dựng trường học an toàn…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2022.