Ba thách thức từ giá lương thực

Giá lương thực thế giới đã tăng phi mã trong năm 2021 vừa qua. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc lương thực tăng giá mạnh không chỉ làm gia tăng nạn đói, mà còn có nguy cơ gây bất ổn kinh tế, chính trị cho nhiều quốc gia.
Giá lương thực trên thế giới năm 2021 tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Ảnh REUTERS

 

Cuối tuần qua, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) cho biết trong năm 2021, giá lương thực trên thế giới đã tăng 28%, lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Theo đó, chỉ số lương thực của FAO trong năm qua đã đạt mức trung bình 125,7 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2011. Giá lương thực theo thống kê của FAO đã tăng cao đặc biệt trong tháng 11/2021 với chỉ số giá trung bình ở mức 134,4 điểm-mức tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu bột mì cùng các sản phẩm trứng, sữa tăng mạnh đã góp phần khiến giá lương thực thế giới tăng đáng kể trong tháng 11. Tuy nhiên, "thủ phạm" chính khiến giá lương thực tăng cao trong cả năm qua là do hoạt động sản xuất, cung ứng nông sản bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19; sản lượng thu hoạch nông sản sụt giảm, trong khi nhu cầu gia tăng. FAO cho biết, năm 2021 sản lượng ngũ cốc toàn cầu ước tính chỉ đạt 2,791 tỷ tấn, so với mức ước tính 2,793 tỷ tấn đưa ra hồi tháng 10/2021.

Ðiều đáng lo ngại là giá lương thực chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" trong năm 2022 cũng như những năm tiếp theo. Chuyên gia kinh tế cao cấp của FAO Abdolreza Abbassian (A.Áp-ba-xi-an) nhận định, đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu ngày càng bất thường sẽ làm giảm bớt sự kỳ vọng về việc thị trường lương thực ổn định trở lại trong năm 2022 và những năm tới. Việc giá lương thực tiếp tục tăng đang đặt ra ba mối quan ngại lớn với các quốc gia.

Thứ nhất, lương thực tăng giá khiến nạn đói tại một số khu vực trên thế giới trở nên gay gắt hơn. Cuối tháng 12 vừa qua, một báo cáo từ văn phòng khu vực Mỹ Latin của FAO cảnh báo rằng, Mỹ Latin và Caribe đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong bối cảnh tỷ lệ đói nghèo ở khu vực này hiện ở mức cao nhất trong 15 năm gần đây. Theo báo cáo nói trên, hiện cứ 10 người ở Mỹ Latin và Caribe thì có một người bị thiếu ăn và con số này đã tăng lên cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch. Những "điểm nóng" về nạn đói và suy dinh dưỡng của khu vực nói trên gồm Haiti, nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng lên tới 46% và Venezuela, nơi ghi nhận tỷ lệ suy dinh dưỡng 27,4%...

Thứ hai, giá lương thực tăng cao đang khiến nhiều quốc gia trên toàn cầu phải vật lộn với cuộc chiến chống lạm phát. Giá lương thực và các loại hàng hóa thiết yếu tăng đã tạo ra những "vòng xoáy lạm phát" ở Mỹ Latin, Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Thứ ba, giá lương thực làm cho đời sống người dân khó khăn hơn đang và sẽ "châm ngòi" cho các hoạt động biểu tình, bạo loạn tại nhiều quốc gia. Năm qua, làn sóng bạo lực xảy ra ở nhiều nước châu Phi như Nam Sudan, Nigeria, Ethiopia, Somalia, Burkina Faso... "Lục địa đen" cũng đã chứng kiến các cuộc đảo chính ở Mali, Guinea, Sudan… Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo rằng, thời gian tới, tình trạng mất an ninh lương thực sẽ là "tia lửa" với "thùng thuốc nổ" bất ổn ở châu Phi.

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế chống đói nghèo năm 2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) cho biết lần đầu tiên sau 20 năm tình trạng nghèo cùng cực gia tăng và kêu gọi thế giới cùng cam kết xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn như hiện nay, việc khôi phục sản xuất, cung ứng nông sản, bảo đảm an ninh lương thực phải được chính phủ các nước xem là "việc cần làm ngay".

 
Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên

Sử dụng chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.

Tập trung ngăn chặn tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số 4544/BTTTT-TTra yêu cầu thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm, thuộc 4 lĩnh vực: Báo chí-xuất bản; thông tin trên mạng; bưu chính - viễn thông; an toàn thông tin.

Thủ tướng: Chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài với trách nhiệm cao nhất

Chiều ngày 27/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi, trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam...