Thay đổi thói quen, lễ Tết an toàn
Tự thay đổi, điều chỉnh thói quen, tác phong sinh hoạt, làm việc để thích ứng, “sống chung” với COVID-19 đang được mỗi gia đình và toàn xã hội xác định là chiến lược cần thiết, lâu dài, bền bỉ và quyết liệt. Sau khi đã tiêm phủ vaccine, ý thức của người dân là yếu tố then chốt trong thích ứng an toàn với dịch bệnh, nhất là vào thời điểm sắp đến Tết và nhiều lễ hội.Hãy biến khoảng thời gian ngày lễ, Tết bằng cách quây quần đầm ấm bên gia đình nhỏ của mình - điều giản dị đó lại mang đến một ý nghĩa lớn, bởi gia đình khỏe mạnh, an vui mới là niềm hạnh phúc. Ảnh: VNCDC |
"Chỉ đến những nơi đông người khi thực sự cần thiết, tránh tụ tập, liên hoan, giảm số người trong các buổi hội họp... đặc biệt thời gian tới”, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chia sẻ.
Vừa qua, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch. Ngày 17/12, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị yêu cầu dừng tập trung đông người không cần thiết, đặc biệt trong dịp lễ, Tết.
Các chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hằng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn như Hà Nội, TPHCM. Ngoài ra, biến thể Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Nguy cơ biến thể mới này xâm nhập vào Việt Nam rất cao.
Mặc dù chúng ta đạt tỉ lệ tiêm chủng khá cao, sự lo lắng về nguy cơ dịch bệnh vào các dịp lễ, Tết như Noel, Tết dương lịch, Tết âm lịch là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang gặp phải sự kiện “siêu lây nhiễm” do biến chủng mới Omicron xuất phát từ các hoạt động tập trung đông người.
Có thể thấy, sau 2 năm đối phó dịch bệnh, thói quen lễ, Tết đã và đang dần thay đổi để “thích ứng an toàn”. COVID-19 buộc từng cá nhân đến mọi tập thể phải nhìn lại mình và có hành xử thích nghi với điều kiện bình thường mới. Tự thay đổi, điều chỉnh thói quen, tác phong sinh hoạt, làm việc để thích ứng, “sống chung” với COVID-19 đang được mỗi gia đình và toàn xã hội xác định là chiến lược cần thiết, lâu dài, bền bỉ và quyết liệt. Chẳng hạn, thay vì đi tới tận cửa các di tích, các nơi thờ tự như trước đây, chúng ta có thể theo dõi các hoạt động tôn giáo, tâm linh qua Internet nếu địa điểm đó có tổ chức phát trực tuyến. Khi nói chuyện vẫn mang khẩu trang, ngồi xa giữ khoảng cách, hạn chế bắt tay, ôm ấp chào hỏi. Thêm vào đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, khi có khách đến thăm, gia đình nên tiếp khách ở nơi có môi trường thông thoáng, sau khi khách về lau chùi khử khuẩn các khu vực khách có tiếp xúc.
Một số chuyên gia cũng khuyến cáo, người Việt có thói quen thăm hỏi nhau vào dịp Tết, nhưng trước tình hình dịch bệnh hiện nay, không nên đến để thăm hỏi xã giao, nhất là khi gia đình đang có người già, người có bệnh nền. Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương trong thời gian nghỉ Tết âm lịch cần tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K.
Trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, chúng ta không có cách nào khác là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Và trong công thức phòng chống dịch bệnh luôn có “đề cao ý thức người dân” (vaccine +5K+thuốc điều trị+ý thức người dân+biện pháp khác).
Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ khi người dân vào cuộc thật sự, tích cực, chủ động phòng, chống dịch từ trong gia đình tới từng khu dân cư thì khi đó công tác chống dịch mới bảo đảm hiệu quả. Chỉ một chút chủ quan, lơ là có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Thích ứng dịch bệnh không đồng nghĩa là tư tưởng “xả hơi”; nới lỏng chứ không buông lỏng. Hãy biến khoảng thời gian ngày lễ, Tết bằng cách quây quần đầm ấm bên gia đình nhỏ của mình - điều giản dị đó lại mang đến một ý nghĩa lớn, bởi gia đình khỏe mạnh, an vui mới là niềm hạnh phúc. Thay đổi dần thói quen cũng là từ ý thức của mỗi người.
https://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Thay-doi-thoi-quen-le-Tet-an-toan/456542.vgp