Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm duy trì tốc độ tăng trưởng cao
Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt, tại một số thị trường như EU, Hàn Quốc, các doanh nghiệp tận dụng rất tốt những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng năm 2021 đạt 25,19 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020 do sự gia tăng cả về lượng và giá xuất khẩu |
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số khá ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới khi cùng thời điểm này năm 2020, xuất khẩu chỉ tăng ở mức 5,5%.
Đi vào từng nhóm hàng cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (không tính sản phẩm gỗ) trong 11 tháng năm 2021 đạt 25,19 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020 do sự gia tăng cả về lượng và giá xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản.
Xuất khẩu sắn tăng tới 64,7% về trị giá và tăng 47,1% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cao su mặc dù chỉ tăng 11,7% về lượng nhưng tăng tới 40,5% về trị giá xuất khẩu; xuất khẩu hạt tiêu mặc dù giảm 6,7% về lượng nhưng tăng tới 44% về trị giá xuất khẩu; xuất khẩu nhân điều tăng 14,3% về lượng và tăng 14,6% về trị giá; kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 8,6%...
Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có kim ngạch xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020 chủ yếu là do sự gia tăng trong xuất khẩu than đá và xăng dầu các loại. Trong đó, xuất khẩu than đá tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu (tăng 150,4% về lượng và 147,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020). Xuất khẩu xăng dầu mặc dù chỉ tăng 3,7% về lượng, nhưng do giá xuất khẩu tăng cao, nên trị giá xuất khẩu tăng tới 48,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xuất khẩu dầu thô sụt giảm mạnh về lượng (giảm 31,4%), nhưng do giá xuất khẩu tăng nên trị giá xuất khẩu vẫn tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung khi đạt kim ngạch xuất khẩu 257,95 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhóm hàng này có sự tăng trưởng ấn tượng khi tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này do các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam đang dần dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài giãn cách.
Các mặt hàng trong nhóm ngành chế biến, chế tạo đều giữ vững vị thế là những nhóm hàng xuất khẩu "tỷ đô" với: Sắt thép có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 129,8% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 33,6 tỷ USD, tăng 39,8%; gỗ và sản phẩm gỗ, ước đạt 13,25 tỷ USD, tăng 20%; hàng dệt và may mặc ước đạt 28,89 tỷ USD, tăng 7,1%; giầy dép các loại ước đạt 15,54 tỷ USD, tăng 3,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 45,05 tỷ USD, tăng 11,9%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 51,97 tỷ USD, tăng 11,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt 9,38 tỷ USD, tăng 14,3%; hóa chất ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 39,5%; sản phẩm hóa chất đạt 1,75 tỷ USD, tăng 32,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 4,4 tỷ USD, tăng 34,2%...
Về thị trường xuất khẩu, trong 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 84,77 tỷ USD, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,47 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thị trường EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9% và chiếm 11,9% xuất khẩu của cả nước. Thị trường ASEAN ước đạt 25,89 tỷ USD, tăng 23,2%, chiếm 8,6% xuất khẩu cả nước. Thị trường Hàn Quốc ước đạt 19,98 tỷ USD, tăng 14,6%. Thị trường Nhật Bản ước đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.
Bộ Công Thương nhận định: "Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt, tại một số thị trường như EU, Hàn Quốc, các doanh nghiệp đều tận dụng rất tốt những lợi thế của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu".
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2021 ước tính đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 299,44 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về việc nhập khẩu tăng cao, Bộ Công Thương cho biết, theo thông lệ những tháng cuối năm do khôi phục hoạt động sản xuất và nhận các đơn hàng cho năm sau nên các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cuối năm của người dân cũng "trội" hơn khiến hoạt động nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng tăng cao.
Có thể thấy, sự phục hồi sản xuất và kinh doanh sau thời gian giãn cách xã hội đã tạo sức bật rõ rệt cho nền kinh tế. Nếu như thời điểm cuối tháng 9, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước nhập siêu 2,13 tỷ USD thì đến nay, cán cân thương mại hàng hóa đã đảo chiều ngoạn mục khi đạt con số xuất siêu 225 triệu USD sau 11 tháng.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi các doanh nghiệp đang khai thác hiệu quả các FTA, "đón sóng" nhu cầu thị trường tăng cao vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là với các nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.
Để thúc đẩy xuất khẩu trong tháng cuối cùng của năm 2021, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.
Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.