Hơn 50 tiêu chí được định lượng mức độ chuyển đổi số quốc gia năm 2022
Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử. Tại phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban, Bộ TT&TT, với vai trò của cơ quan thường trực, đã cùng các bộ ngành, địa phương xác định và đề xuất lên Ủy ban một kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 với khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng, cùng hơn 50 tiêu chí định lượng, đo lường mức độ chuyển đổi số quốc gia trong năm 2022.
Khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) lần thứ 2 |
Diễn đàn do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) phối hợp với Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số tổ chức dưới sự bảo trợ của các Bộ: TT&TT, GD&ĐT, Tài chính, Y tế, NN&PTNT, KH&CN, GTVT và NHNN.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, năm 2021 là năm bắt đầu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, cũng là năm chúng ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Ở tầm quốc gia, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử, đưa Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia tiên phong trên thế giới có Thủ tướng trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Điều này đã thể hiện ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương.
Tại phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban, Bộ TT&TT, với vai trò của cơ quan thường trực đã cùng với các bộ ngành, địa phương xác định và đề xuất lên Ủy ban một kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 với khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng, trong đó có 18 nhiệm vụ trọng tâm đột phá phân công tới từng thành viên Ủy ban. Cùng với đó là hơn 50 tiêu chí định lượng, đo lường mức độ chuyển đổi số quốc gia trong năm 2022.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và đã trình dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số. Chiến lược mang tính bao trùm, định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đặc biệt là 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Theo đó, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ căn cứ vào Chiến lược để xây dựng chiến lược, chương trình hành động phù hợp.
Trong khuôn khổ diễn đàn này, ngày 2/12, Vinasa sẽ chính thức công bố khung chuyển đổi số cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (SMEs). Bộ tài liệu trong khung hướng dẫn gồm 3 phần chính: Khung hướng dẫn chuyển đổi số chi tiết quy mô doanh nghiệp, cấp độ chuyển đổi số; bộ giải pháp chuyển đổi số ứng với từng quy mô, cấp độ; tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tương ứng.
Bên cạnh đó, khung hướng dẫn cũng đưa ra khuyến nghị đào tạo các kỹ năng số cho nhân sự. Đây là 26 bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho SME thuộc 26 lĩnh vực hướng tới từng quy mô, thuộc từng lĩnh vực hoạt động cụ thể, để doanh nghiệp biết mình đang ở đâu, cần bắt đầu từ đâu, lộ trình tiếp theo sẽ như thế nào...