Từng bước phục hồi kinh tế thích ứng linh hoạt và chủ động ứng phó với dịch bệnh
Bức tranh kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2021 đã bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng lạc quan và tích cực hơn, đặc biệt chứng minh tính hiệu quả ban đầu của Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 khi Chính phủ điều chỉnh chiến lược, từ kiểm soát “zero COVID” sang “thích nghi an toàn với dịch bệnh”.Đã thấy những tín hiệu phục hồi của kinh tế sau khi thay chiến lược phòng, chống dịch (Ảnh: HNV) |
Trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê được công bố ngày hôm nay (29/11), dễ để nhận thấy có nhiều điểm sáng phục hồi trong từng ngành, từng lĩnh vực sau thời kỳ vô cùng khó khăn, gian nan kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư hồi cuối tháng 4 trở lại đây ở nước ta.
Cụ thể, sản xuất nông nghiệp trong tháng 11 tập trung chủ yếu vào hoàn tất thu hoạch lúa mùa trên cả nước và gieo trồng các loại cây màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc. Chăn nuôi gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ chưa cao và dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Sản xuất lâm nghiệp tháng 11 bắt đầu khôi phục sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động trồng rừng và khai thác gỗ phát triển tốt phục vụ nhu cầu chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ. Hoạt động thu hoạch, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến thủy sản đang trên đà hồi phục do nhiều địa phương đã trở về trạng thái bình thường mới.
Infographic về sản xuất nông nghiệp 11 tháng 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Tính đến trung tuần tháng 11, cả nước thu hoạch được 1.339,2 nghìn ha lúa mùa, chiếm 85,9% diện tích gieo cấy và bằng 102,6% cùng kỳ 2020. Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2021 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 719,7 nghìn ha, giảm 4,4 nghìn ha so với vụ thu đông 2020. Tính đến ngày 15/11/2021, các địa phương phía Nam đã gieo cấy được 351,9 nghìn ha lúa đông xuân sớm, bằng 120,9% cùng kỳ 2020, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 11 ước tính đạt 31,9 nghìn ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 238,3 nghìn ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2020…
Sản lượng thủy sản tháng 11 ước tính đạt 761,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 7.908,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Infographic về sản xuất công nghiệp 11 tháng 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ 2020, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8%...
Infographic về hoạt động đầu tư 11 tháng 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Kết quả cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP.
Cụ thể, trong tháng 11, cả nước có 11.902 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 149,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 76,6 nghìn lao động, tăng 44,6% về số doanh nghiệp, tăng 38% về vốn đăng ký và tăng 30,2% về số lao động so với tháng 10/2021; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 9,1% về số doanh nghiệp, giảm 47,4% về số vốn đăng ký và giảm 36% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 12,6 tỷ đồng, giảm 4,5% so với tháng trước và giảm 42,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng, cả nước còn có 4.958 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,2% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động, giảm 15% về số doanh nghiệp, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so với cùng kỳ 2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ 2020.
Infographic về vận tải và khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Cũng trong tháng 11, các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11/2021 ước đạt 48,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với tháng 10/2021. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi, vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2021, ước tính đạt 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2021 có 52 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 244,5 triệu USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2020; có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 432,8 triệu USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 677,3 triệu USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Infographic bản lẻ hàng hóa, tiêu dùng, xuất nhập khẩu 11 tháng 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước tính đạt 59,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng 10 và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11/2021 tăng 42,4% so với tháng trước do nước ta bắt đầu thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 năm 2021 ước tính đạt 397,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021 đạt 4.128,5 nghìn tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Có thể thấy, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được ban hành kịp thời và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện, các hoạt động kinh doanh dịch vụ và hoạt động vận tải đang dần trở về trạng thái “bình thường mới”. Nền kinh tế từng bước phục hồi với các mức độ khác nhau và củng cố lại niềm tin của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào triển vọng khôi phục cũng như phát triển của kinh tế nước ta trong năm 2021 và những năm tiếp theo./.
https://dangcongsan.vn/kinh-te/tung-buoc-phuc-hoi-kinh-te-thich-ung-linh-hoat-va-chu-dong-ung-pho-voi-dich-benh-598409.html