Đại dịch COVID-19 tiếp tục “nóng” ở châu Âu
Tính đến sáng 16/11, thế giới ghi nhận 254.496.095 trường hợp mắc COVID-19, với 5.120.977 ca tử vong. Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu Âu khi khu vực này ghi nhận sự gia tăng mạnh các ca lây nhiễm, khiến nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch.Số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 16/11 cho thấy, hiện toàn thế giới có 231.246.189 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.128.929 ca bệnh đang điều trị, có 17.898.655 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 75.026 ca còn lại (chiếm 0,4%) trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cũng cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 68.443.633 trường hợp, trong đó có 1.356.235 ca tử vong và 61.862.073 ca được điều trị khỏi.
Khách hàng xem thực đơn gắn kèm thông báo về các biện pháp phòng dịch COVID-19 bên ngoài một cửa hàng bánh ngọt ở Berlin, Đức, ngày 15/11/2021. Nước Đức đang siết chặt các biện pháp phòng dịch do sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm COVID-19 mới. (Ảnh: Xinhua) |
Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 242.783 ca nhiễm mới, cao nhất xét trên quy mô các khu vực trên thế giới. Theo cảnh báo của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ảnh báo số ca lây nhiễm, số ca tử vong và số người nhập viện do COVID-19 tại EU sẽ tăng trong 2 tuần tới. Theo phân tích của các chuyên gia thì độ bao phủ vaccine không đồng đều chính là một trong số những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về tình hình dịch bệnh ở nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng khi mùa Đông bắt đầu đến, “làn sóng COVID-19 thứ 5” sẽ không chừa phần còn lại của châu Âu, bao gồm cả Pháp - nơi mà sự tuân thủ các biện pháp hạn chế đang giảm dần và hiện vẫn còn khoảng 13% số người từ 80 tuổi trở lên chưa được tiêm chủng.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lan rộng, nhiều nước châu Âu đang tái áp đặt các biện pháp phòng dịch. Mới đây, Pháp đã bổ sung các quy định kiểm tra y tế tại biên giới, kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch để tránh 1 đợt phong tỏa mới. Trong khi đó, Đức đang soạn thảo dự luật gồm nhiều biện pháp, gồm cả yêu cầu người lao động làm việc tại nhà trong nỗ lực khống chế làn sóng dịch COVID-19 mạnh nhất từ đầu dịch đến nay.
Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 16/11, hiện 52,1% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 7,51 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 31,22 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện khiêm tốn, ở mức 4,5%. |
Hiện Bắc Mỹ có 57.597.714 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.171.013 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 48.035.085 ca nhiễm và 784.373 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 16/11, Nam Mỹ có 38.701.536 ca nhiễm COVID-19, với 1.176.096 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 21.960.766 ca nhiễm.
Tại châu Á, tình hình dịch dường như được cải thiện khi số ca nhiễm mới giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng, mở đường cho các nước soạn thảo lộ trình mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh. Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 80.776.764 trường hợp, với 1.192.306 ca tử vong và 77.922.428 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.662.030 ca bệnh đang điều trị, có 27.857 ca trong tình trạng nghiêm trọng.
Bloomberg ngày 15/11 đưa tin, Ấn Độ hiện cho phép những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ từ 99 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập cảnh mà không cần kiểm dịch. Chính phủ chỉ yêu cầu khách du lịch phải theo dõi cẩn thận tình trạng sức khỏe của họ trong 14 ngày sau khi đến. Việc mở cửa biên giới được Ấn Độ áp dụng trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đang tăng mạnh còn số ca nhiễm mới trong những tuần gần đây đã chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay, chưa đầy 15.000 ca mỗi ngày.
Tính đến sáng 16/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.638.537 trường hợp, trong đó có 221.344 ca tử vong và 8.015.613 ca bình phục. Trong tổng số 401.580 ca đang điều trị thì có 1.991 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 2.926.075 ca nhiễm COVID-19 và 89.489 ca tử vong vì dịch bệnh.
Một người phụ nữ đeo khẩu trang khi bước vào một tòa nhà ở thủ đô Vilnius của Litva, ngày 15/11/2021.(Ảnh: Xinhua) |
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 1.320 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 337.190 trường hợp ca mắc COVID-19, với 3.968 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 190.624 ca, tiếp theo sau là Fiji với 52.429 ca.
Trong nỗ lực nhằm đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh, chính phủ Australia đang nỗ lực mở rộng chiến dịch bao phủ vaccine, với con số do Bộ Y tế nước này đưa ra là trên 90% dân số từ 16 tuổi trở lên được tiêm một liều vaccine và 83% tiêm chủng đầy đủ. Australia cũng đã tiêm chủng cho 57,7% trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 15. Hiện Australia cũng đang tính đến việc chủng ngừa cho trẻ em từ 5-11 tuổi, dự kiến vào đầu tháng 1/2022 song sẽ nỗ lực để thực hiện công việc này nhanh nhất có thể.
Hiện tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao chính là chìa khóa giúp Australia mở lại một phần biên giới quốc tế vào tháng 11, ngay cả khi các đợt bùng phát dịch bệnh mới với biến thể Delta đang diễn ra ở các bang đông dân nhất nước này là New South Wales và Victoria. Đây cũng là lần đầu tiên Australia mở cửa biên giới quốc tế kể từ khi bắt đầu đại dịch./.