Các chỉ số chính phủ điện tử của Việt Nam cao hơn mức trung bình thế giới

Xếp hạng chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của LHQ năm 2020 tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao.
Hội thảo với chủ đề “Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ảnh: VGP
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo với chủ đề “Xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều 11/11 tại Hà Nội. 

Đây là hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao thường niên về cách mạng công nghiệp  4.0” với phiên toàn thể dự kiến tổ chức ngày 6/12.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xác định phát triển chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, toàn bộ các cơ quan Nhà nước chuyển sang hoạt động trên môi trường số.

Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam hướng tới có chỉ số phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của LHQ.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, chính phủ số bao hàm chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử đặc trưng bởi “4 không”: Họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ số thêm “4 có”: Có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế-xã hội.

Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước năm 2020 đạt 30,86%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Tính đến ngày 20/8/2021, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cả nước đạt 65,11%, trong đó tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 27,71%, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 43,40%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Đảng và Nhà nước đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 100% quận, huyện, thị xã. Một số cơ sở dữ liệu tạo nền tảng đã được xây dựng, như cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành chính thức từ ngày 1/7/2021.

Trục liên thông văn bản quốc gia đã được xây dựng nhằm kết nối các hệ thống quản lý văn bản điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, đã kết nối 94/94 bộ, ngành, địa phương và kết nối với hệ thống quản lý văn bản điều hành của Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các tổ chức chính trị-xã hội. Từ khi khai trương (12/3/2019) đến ngày 19/8/2021 có tổng số hơn 6,3 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỉ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc năm 2020 đạt 90,8% (vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ).

Ông Nguyễn Thành Phong: Việt Nam hướng tới có chỉ số phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của LHQ. Ảnh: VGP

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và ngoài nước đã trao đổi về kinh nghiệm xây dựng chính phủ số, bảo đảm an toàn thông tin, triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu, trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng chính phủ điện tử…

Đề xuất một số giải pháp nâng cao chỉ số chuyển đổi số, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, sự quan tâm của lãnh đạo về chuyển đổi số phải được cụ thể hóa bằng nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động. Cần xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử/đô thị thông minh, kế hoạch phát triển hằng năm và 5 năm, cùng với quy định thống nhất về chia sẻ thông tin, dữ liệu.

Đồng thời, cần tăng cường đào tạo kỹ năng số thông qua các chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước và lãnh đạo các doanh nghiệp tại các địa phương. Ông Vũ Kiêm Văn góp ý, cần chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận của người dân, khuyến khích người dân lựa chọn các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu: “Cần cải thiện dịch vụ trực tuyến. Chính quyền cần nâng cao mức độ chia sẻ thông tin với người dân, đặc biệt tại các lĩnh vực pháp luật, việc làm, bảo trợ xã hội, môi trường, y tế, giáo dục…”.

Nhấn mạnh về vấn đề an ninh mạng, đại diện Công ty Bảo mật mạng Fortinet lưu ý, cũng như một số quốc gia, Việt Nam gặp phải một số thách thức với vấn đề an toàn thông tin, như số người sử dụng trong dân cư lớn, trình độ đa dạng, thiết bị đầu cuối khác nhau, khó khăn trong kiểm soát bảo mật; các phần mềm ứng dụng đa dạng, do các tổ chức có trình độ khác nhau phát triển, khả năng duy trì nâng cấp hạn chế...

Đại diện Fortinet giới thiệu một số giải pháp bảo mật bảo vệ chính phủ số, như bảo vệ công chức, viên chức trước việc lộ tài khoản, ngăn chặn tấn công mạng ở vùng biên, phát hiện mã độc nằm vùng, khoanh vùng hạn chế thiệt hại khi bị tấn công mạng…

 
Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên

Sử dụng chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.

Tập trung ngăn chặn tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số 4544/BTTTT-TTra yêu cầu thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm, thuộc 4 lĩnh vực: Báo chí-xuất bản; thông tin trên mạng; bưu chính - viễn thông; an toàn thông tin.

Thủ tướng: Chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài với trách nhiệm cao nhất

Chiều ngày 27/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi, trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam...