Lào Cai thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch
Tận dụng những thế mạnh về du lịch, Lào Cai không ngừng đẩy mạnh đầu tư cho du lịch với nhiều dự án lớn nhỏ được triển khai nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng điểm đến cũng như nhân lực du lịch.Xác định đầu tư nguồn lực cho du lịch là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã vận dụng nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt cho công tác đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đầu tiên, đó là ưu tiên đầu tư cho các vùng có tiềm năng phát triển du lịch, như thành phố Lào Cai, Bát Xát, Bắc Hà và đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Đến nay, Lào Cai là tỉnh duy nhất trong khu vực Tây Bắc hội tụ đủ các loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường thủy và tiến tới là đường hàng không (cảng Hàng không Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1773/QĐ-TTg ngày 21/10/2021 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cảng Hành không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng).
Khu du lịch cáp treo của Tập đoàn Sungroup.
Du lịch dịch vụ “Giai đoạn 2010 - 2020, Lào Cai đã phê duyệt đầu tư cho 694 dự án đầu tư mới với tổng số vốn 102.079 tỷ đồng; ký kết Thỏa thuận hợp tác với một số Nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Sungroup, Bitexco,Alphanam... với tổng vốn đầu tư khoảng 124 nghìn tỷ đồng tương đương 5,3 tỷ USD. Lào Cai hiện đang tiếp tục mở rộng hợp tác với Tập đoàn Geleximco, Vingroup, T&T, FLC, TH... trong các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, nông nghiệp. Riêng đối với du lịch Lào Cai đã thu hút trên 40 dự án đầu tư quy mô lớn với tổng mức đầu tư đạt khoảng 50.000 tỷ đồng vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí cao cấp, trung tâm thương mại của các tập đoàn. Trong đó, điển hình nhất là dự án cáp treo Fansipan với vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng của Tập đoàn Sun Group. Từ đầu năm 2021 đến nay, Lào Cai cũng đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký hơn 3.100 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án có vốn đầu tư lớn như Dự án tổ hợp dịch vụ thương mại kết hợp nhà ở cao tầng tại đường Hoàng Liên hơn 1.061 tỷ đồng; Dự án danh lam, thắng cảnh quốc gia núi Hàm Rồng 630,6 tỷ đồng; Dự án khu đô thị tổ 5 hơn 410 tỷ đồng...; Cấp mới 2 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 397 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh có 29 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 624,81 triệu USD.
Nhờ làm tốt công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch và các sản phẩm du lịch; nhờ đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Toàn tỉnh có 1.310 cơ sở lưu trú, trong đó 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao và 8 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao, 340 cơ sở dịch vụ homestay. Ngành du lịch đã thu hút và giải quyết việc làm cho trên 32.000 lao động, trong đó có 14.500 lao động trực tiếp. Đến năm 2020 có 32 hãng lữ hành, bao gồm 30 hãng lữ hành quốc tế hoạt động tại Lào Cai. Tỉnh có 1 Khu du lịch quốc gia, 2 Khu du lịch cấp tỉnh và 30 điểm du lịch đã được công nhận.
Có thể thấy, du lịch Lào Cai đã thực sự khởi sắc; nhiều loại hình du lịch được đẩy mạnh tạo sức hút du khách. Hết năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành du lịch Lào Cai vẫn đón trên 2,3 triệu lượt khách và đạt doanh thu khoảng 6.700 tỷ đồng.
Để tạo bước đột phá cho du lịch phát triển, tỉnh đã có nhiều đổi mới về chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện các giải pháp khai thác hiệu quả các lợi thế cạnh tranh và tiềm năng vốn có, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, tỉnh chú trọng công tác xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng; chủ động kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý. Đồng thời, tỉnh có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình đầu tư, nâng cấp các cơ sở kinh doanh du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, các cơ sở làng nghề, thủ công mỹ nghệ truyền thống, các dịch vụ bổ trợ… để nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch./.