Điểm sáng từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22
Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức từ ngày 18 đến 20/11 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế với khẩu hiệu: “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”. LHP là sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.Do tình hình của đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, LHP được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trong đó các chương trình, sự kiện, hoạt động sẽ rút gọn, hình thức giản dị, tiết kiệm, nhưng vẫn bảo đảm trang trọng và an toàn phòng, chống dịch. Từ 141 bộ phim gửi hồ sơ tham dự, Ban Tổ chức chọn được 127 phim của 41 đơn vị tham dự LHP Việt Nam lần thứ 22 ở chương trình phim dự thi và chương trình toàn cảnh, gồm: 25 phim truyện, 56 phim tài liệu, 15 phim khoa học, 31 phim hoạt hình. Trong đó, chương trình phim dự thi có 92 bộ phim, bao gồm 17 phim truyện, 37 phim tài liệu, 15 phim khoa học, 23 phim hoạt hình; chương trình toàn cảnh có 35 bộ phim bao gồm 8 phim truyện, 19 phim tài liệu, 8 phim hoạt hình.
Tại LHP năm nay, thể loại phim tài liệu chiếm số lượng lớn (56 phim). Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là đơn vị gửi nhiều phim tài liệu tham gia LHP nhất (24 phim). Bên cạnh đề tài chiến tranh cách mạng, nhân vật lịch sử... phim tài liệu năm nay còn nổi bật ở đề tài phòng, chống dịch bệnh với các bộ phim tạo ấn tượng mạnh cho khán giả, trong đó có phim “Ranh giới” (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất). Phim truyện vẫn là một trong những mảng được quan tâm nhất LHP. So với kỳ trước, phim truyện năm nay giảm về số lượng (25 phim so với 30 phim tham dự năm 2019). Bên cạnh 5 phim Nhà nước đặt hàng sản xuất, trong đó có phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân thì 20 phim do các đơn vị tư nhân sản xuất, chủ yếu gồm các thể loại: Tâm lý, kinh dị, hành động... Một số phim ra rạp đã đạt doanh thu cao, như: “Bố già”, “Gái già lắm chiêu V”, “Mắt biếc”, “Tiệc trăng máu”. Các phim đề tài chiến tranh, hậu chiến… chưa có cơ hội ra rạp cũng tham dự LHP lần này, như các bộ phim “mới tinh” do Nhà nước đặt hàng là “Cơn giông” (đạo diễn Trần Ngọc Phong) và “Bình minh đỏ” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), “Khúc mưa” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), “Lính chiến” (đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà).
Theo quy định của Ban Tổ chức, phim tham dự LHP năm nay là những bộ phim được cấp phép phổ biến và phân loại phim trong khoảng thời gian từ ngày 11/9/2019 đến 15/8/2021. Như vậy, hầu hết các phim đều được sản xuất, phát hành trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19. Đây là thời điểm ngành điện ảnh gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng. Tuy nhiên, ở những thời điểm thích hợp, một số đơn vị vẫn nắm bắt cơ hội, phát hành tốt. Bộ phim “Bố già” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành) đạt mức doanh thu khoảng 400 tỷ đồng sau một tháng công chiếu. Ngoài thị trường trong nước, phim còn được phát hành ở Malaysia (Ma-lai-xi-a), Singapore (Xin-ga-po), Mỹ… Một số phim khác cũng đạt doanh thu cao như “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ (172 tỷ đồng sau hơn một tháng công chiếu), “Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (177 tỷ đồng sau hơn một tháng công chiếu). Đáng chú ý ở LHP Việt Nam lần thứ 22 là sự góp mặt của các nhà làm phim độc lập với những tác phẩm: “Ròm”, “Miền ký ức”.
Năm nay, bên cạnh hệ thống giải thưởng như thông lệ, lần đầu tiên LHP có thêm hai giải thưởng: Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc và Kỹ xảo phim truyện điện ảnh xuất sắc. Theo thống kê từ Ban Tổ chức, LHP có ba đạo diễn phim truyện đầu tay, gồm: Mai Thu Huyền phim “Kiều”, Nguyễn Mạnh Hà phim “Lính chiến”, Trần Thanh Huy phim “Ròm”. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, đây là điểm mới góp phần ghi nhận và khẳng định sự phát triển công nghệ của điện ảnh Việt Nam, đồng thời khích lệ các tài năng mới.
https://nhandan.vn/vanhoa/diem-sang-tu-lien-hoan-phim-viet-nam-lan-thu-22-672965/