Lào Cai: Cửa ngõ ASEAN của Trung Quốc
"Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển" là mục tiêu và cũng là mong muốn của các cấp chính quyền với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn tại Lào Cai.Ông Trịnh Xuân trường chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh lào cai cho biết, sau 30 năm tái lập, lào cai từ một trong sáu tỉnh nghèo nhất cả nước đã bứt phá trở thành tỉnh phát triển, sôi động nhất của khu vực Tây Bắc và đặc biệt lao cai đang nỗ lực phát huy lợi thế cửa ngõ ASEAN Trung Quốc. Doanh nghiệp phát tài, lào cai phát triển là mục tiêu và cũng là mong muốn của các cấp chính quyền với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn tại Lào Cai.
- Theo ông, đâu là lợi thế của Lào Cai trong thu hút đầu tư?
Trước hết, Lào Cai là tỉnh có vị trí trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc, đồng thời là tỉnh trung tâm của biên giới các tỉnh với Vân Nam (Trung Quốc) với vị trí cửa ngõ, tiền tiêu của biên giới phía Bắc, có vai trò xung yếu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Lào Cai là một trung tâm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, và là cầu nối không chỉ của Việt Nam, mà cả các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, một kết nối quan trọng của hành lang Bắc Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS).
Thứ hai, Lào Cai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch gắn liền với sự phát triển của vùng và cả nước, đặc biệt Khu du lịch quốc gia Sa Pa sẽ phát triển trở thành khu du lịch có tầm cỡ quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh...
Thứ ba, Lào Cai là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, có trên 35 loại khoáng sản khác nhau với trên 150 điểm mỏ có giá trị công nghiệp. Hệ thống sông, suối dày với địa hình dốc tạo ra lợi thế cho Lào Cai trong phát triển thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất trên 1.000 MW.
Thứ tư, dãy núi Hoàng Liên Sơn là khu dự trữ sinh quyển, sinh thủy của nhiều con sông lớn (sông Hồng, sông Đà), Vườn Quốc gia Hoàng Liên được công nhận Vườn di sản ASEAN, với nhiều loại động thực vật quí hiếm.
Thứ năm, Lào Cai có điều kiện giao thông thuận lợi với đủ loại hình mang tính kết nối quan trọng với các tỉnh trong vùng và quốc tế. Đường bộ (QL 70, 4D, 4E, 279, cao tốc Nội Bài - Lào Cai); tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai nối với Côn Minh, Trung Quốc đã có hơn 110 năm, đường thủy (có sông Hồng là sông cái của vùng Trung du miền núi phía Bắc đổ ra biển); tương lai gần là đường hàng không với Cảng hàng không Sa Pa qui mô cấp 4C.
Với những lợi thế đặc biệt này, Lào Cai sẽ là nơi đất lành để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
- Nhưng nếu chỉ có những lợi thế tự nhiên, chắc hẳn Lào Cai cũng không thể đạt được những thành tích như hôm nay?
Đúng vậy! Trong suốt thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn tâm niệm về một mục tiêu biến Lào Cai trở thành “cửa ngõ” giao thương. Đặc biệt, thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là chủ trương xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp có tính cấp bách đặc biệt quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Lào Cai đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ hướng đến môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, công khai, minh bạch; xây dựng các chính sách, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, để huy động tối đa nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.
Trong đó, quan trọng nhất là việc chuyển đổi triệt để và thực chất phong cách làm việc từ “quản lý” sang “phục vụ” người dân, doanh nghiệp. Lào Cai phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025: duy trì Chỉ số PCI của tỉnh trong Top 10 cả nước.
- Với mục tiêu biến Lào Cai trở thành cửa ngõ ASEAN; trung tâm kinh tế, đối ngoại thì hướng đi của Lào Cai trong giai đoạn tới như thế nào, thưa ông?
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI đã đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc; đến năm 2025, Lào Cai tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng trung du, miền núi phía Bắc; năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển “đột phá” về hạ tầng giao thông và đô thị, tạo nền tảng thu hút vốn đầu tư.
Lào Cai cũng tập trung phát triển đô thị tạo động lực, sức lan tỏa trong phát triển bao trùm, trong đó tập trung tổ chức mạng lưới đô thị theo hướng xây dựng đô thị thông minh thành phố Lào Cai và đô thị Sa Pa.
Đồng thời, phát triển, mở rộng thành phố Lào Cai là đô thị loại I, đô thị trung tâm vùng Tây Bắc, đô thị giáp biên giới Việt – Trung, là cầu nối quan trọng của hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) với Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, là điểm nối quan trọng trong hợp tác du lịch về nguồn của ba tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và du lịch Tây Bắc mở rộng…
- Những lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư của Lào Cai trong thời gian tới, thưa ông?
Lào Cai sẽ ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, thực hiện dự án quy mô lớn có tác động lan tỏa tích cực phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Tỉnh cũng khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động địa phương…
Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông vận tải, sẽ tập trung vào các dự án kết nối liên vùng, đặc biệt là các tỉnh trong vùng thủ đô; các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, tuyến kết nối giao thông đối ngoại với vùng, các tỉnh có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương như Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang...
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào Cai bình quân giai đoạn 1991 - 2020 đạt 10,4%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 77,87 triệu đồng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp giảm mạnh. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 9.089 tỷ đồng (gấp 478 lần so với năm 1991). Lào Cai là một trong ít tỉnh xây dựng thành công khu đô thị hành chính mới Lào Cai - Cam Đường, là sản phẩm của tầm nhìn và sự sáng tạo; Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Kim Thành và Khu Du lịch quốc gia Sa Pa...
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn đứng trong top đầu so với các tỉnh/thành phố trong cả nước, thể hiện qua các chỉ số PCI, ICT Index, PAPI… Hoạt động đối ngoại thu được nhiều kết quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển; xây dựng quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời với Tỉnh Vân Nam - Trung Quốc...
Lào Cai: Cửa ngõ ASEAN của Trung Quốc | Kinh tế địa phương (diendandoanhnghiep.vn)