Độc lập tự chủ trong trong hội nhập kinh tế quốc tế
Quá trình hội nhập của Việt Nam những năm qua đã đạt được những kết quả to lớn. Nhưng bên cạnh đó cũng còn những hạn chế cần điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn nền kinh tế-xã hội.Tại tọa đàm khoa học do Quỹ Hoà Bình và Phát triển Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TPHCM và Viện Nghiên cứu và Phát triển Phương Đông tổ chức ngày 15/10 tại TPHCM, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hoà Bình và Phát triển Việt Nam, nhấn mạnh: Quá trình hội nhập của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả to lớn. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng đang biểu hiện những hạn chế mà chúng ta cần nhìn nhận để kịp điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn nền kinh tế-xã hội.
Những hạn chế chính là khu vực nội địa yếu đi tính cạnh tranh. Xuất khẩu có tăng, nhưng chủ yếu của các doanh nghiệp nước ngoài và đang xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô nên giá trị chưa cao. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển rất nhanh của nền kinh tế-xã hội…
Theo GS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến các hạn chế nói trên là do các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng, đủ, kịp thời các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp còn tồn tại tư duy của người sản xuất nhỏ, duy ý chí. Việc sử dụng vốn đầu tư chưa hiệu quả. Quá trình chuẩn bị các điều kiện cho hội nhập chưa kịp thời, phù hợp.
PGS.TS Đào Duy Huân nhận định, trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập, một vấn đề hết sức quan trọng là phải có đường lối kinh tế độc lập tự chủ, phát huy được tiềm năng sẵn có của đất nước (tài nguyên, nguồn nhân lực…) tạo ra một nội lực trên cơ sở đó tranh thủ ngoại lực. Từ đó mới có các giải pháp sử dụng các nguồn lực trong và ngoài thành một tổng lực thống nhất.
Chúng ta cần hiểu rộng hơn vi��c hội nhập kinh tế trong giai đoạn hiện nay, đó là sự hoà nhập về kinh tế-xã hội cùng với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những cơ hội của quá trình hội nhập, chúng ta cũng chuẩn bị đón nhận rất nhiều thách thức mà quá trình hội nhập đem đến. Do vậy, cần xây dựng các chiến lược phát triển đi đôi với các giải pháp xây dựng tính tự chủ trong quá trình hội nhập với quốc tế, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh.
Theo đó, cần xây dựng, tăng cường nội lực mạnh để tăng vị thế của Việt Nam trên thế giới. Lấy ngoại lực bổ sung cho nội lực. Kết hợp tổng hoà các thế mạnh của nội lực và ngoại lực. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, có trình độ cao. Đầu tư phát triển về khoa học và công nghệ cao.
Trong quá trình liên kết và hội nhập quốc tế, phải chủ động về mọi mặt. Vấn đề an ninh, tài chính phải được đưa lên hàng đầu, trong đó giải quyết nợ xấu được chú trọng; phải định hình lại cơ cấu của các ngành công nghiệp như cơ khí chế tạo, nghiên cứu và phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến…
Hiện nay, Việt Nam đang có quan hệ thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ; có quan hệ đầu tư với hơn 80 nước và vùng lãnh thổ; hơn 40 đối tác ODA./.