Sáng tạo những sản phẩm du lịch đặc trưng

Khi tái lập tỉnh, du lịch Lào Cai đã có bề dày phát triển nhưng vẫn mang tính tự phát, hầu như chưa có cơ sở vật chất. Sau tái lập tỉnh, ngành du lịch Lào Cai được thành lập và từng bước phát triển. Năm 1992, tỉnh Lào Cai mới đón được 8 nghìn lượt khách nhưng đến năm 2019 đã đón 5,1 triệu lượt khách (tăng 638 lần). Để đạt được những thành tựu đó, ngành du lịch tỉnh đã xác định hướng đi riêng, dựa vào tiềm năng, lợi thế, bám sát mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Dấu mốc đầu tiên đánh dấu sự phát triển là lễ kỷ niệm 100 năm du lịch Sa Pa (năm 2003) được tổ chức như một festival du lịch hoành tráng với quy mô cấp quốc gia. Đây cũng là lần đầu tiên Sa Pa đón lượng du khách kỷ lục (10.000 lượt), lần đầu tiên “cháy” phòng nghỉ, thiếu hạ tầng phục vụ khách du lịch. Lễ kỷ niệm 100 năm du lịch Sa Pa chính là sự kiện đặt nền móng cho các sản phẩm du lịch mới, như Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây, Canarval du lịch đường phố… làm nên “thương hiệu” du lịch của Lào Cai ngày nay.

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà được tổ chức hằng năm thu hút hàng vạn du khách.

Năm 2005, chương trình hợp tác du lịch “Về cội nguồn” của 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ được tổ chức theo sáng kiến của Lào Cai đã trở thành hình mẫu về phát triển du lịch liên vùng. Ngoài việc hấp dẫn du khách, tạo dựng những tuyến, điểm mới, liên kết này đã thu hút được giá trị đầu tư hằng năm vào du lịch của 3 tỉnh lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều sản phẩm đặc sắc như “Cội nguồn đất Tổ”, “Cội nguồn Tây Bắc”, “Sắc màu vùng cao”… đã hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần tăng trưởng du lịch. Giai đoạn 2005 - 2010, có hơn 20 triệu lượt khách đến 3 tỉnh.

Riêng năm 2010, chuỗi sự kiện thuộc chương trình du lịch “Về cội nguồn” đã thu hút khoảng 2 triệu lượt khách du lịch tới 3 tỉnh, doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là con số rất ấn tượng với ngành du lịch cả nước thời điểm đó, đặt nền tảng xây dựng và phát triển liên kết du lịch 8 tỉnh Tây Bắc, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với nhiều chương trình, tour, tuyến hấp dẫn, giàu bản sắc các dân tộc. Sự kết nối đó còn được nâng lên tầm quốc tế khi Lào Cai là địa phương giữ vai trò cầu nối xây dựng tour du lịch kiểu mẫu “1 tour, 2 quốc gia, 6 điểm đến” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Lấy văn hóa làm gốc để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn đã làm nên bản sắc riêng của du lịch Lào Cai trong giai đoạn 2001 - 2010, tạo tiền đề đưa du lịch trở thành khâu đột phá của tỉnh. Giai đoạn này, ngành du lịch tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều đề án bám sát mục tiêu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, lấy văn hóa làm động lực, nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch. Nhờ sự năng động, sáng tạo, Lào Cai đã thành công “biến di sản thành tài sản” và “mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có loại đặc sản trở thành hàng hóa”.

Nhiều ngành, nghề thủ công, lễ hội truyền thống được phục dựng và mở rộng về quy mô tổ chức, trở thành sự kiện văn hóa, điểm du lịch quan trọng, như Lễ hội Roóng poọc của người Giáy ở Tả Van (Sa Pa), Lễ hội Xuống đồng của người Tày Bắc Hà, Lễ hội Gầu tào của người Mông ở Pha Long (Mường Khương)... Đặc biệt, Lễ hội đền Thượng được tổ chức vào rằm tháng Giêng hằng năm thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước tham dự. Lễ hội đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện Bắc Hà, là điểm đến không thể bỏ qua mỗi mùa hè đối với du khách.

Lào Cai là địa phương tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng và là tỉnh đầu tiên trong cả nước được nhận giải thưởng homestay ASEAN cho nhóm các hộ dân tại xã Tà Chải (Bắc Hà) và xã Tả Van (Sa Pa). Để sản phẩm du lịch cộng đồng không bị trùng lặp với các tỉnh trong khu vực, Lào Cai đã tập trung khai thác mỗi bản làng gắn với nét văn hóa độc đáo của dân tộc, kết hợp với việc xây dựng những sản phẩm trải nghiệm cho du khách. Du lịch cộng đồng được khẳng định là thương hiệu của du lịch Lào Cai khi thu hút hơn 20% lượng khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Bản du lịch cộng đồng Cát Cát (Sa Pa) cũng được mệnh danh là ngôi làng đẹp nhất vùng Tây Bắc…

Sẽ rất thiếu sót trong hành trình sáng tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai nếu bỏ qua Dự án Cáp treo Fansipan do Tập đoàn Sun Group đầu tư, nắm giữ 2 kỷ lục Guinness, mở ra cơ hội chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” cho hàng triệu du khách. Sau khi tuyến cáp treo đi vào hoạt động, liên tiếp những sản phẩm, công trình mới được Sun Group bổ sung, tạo nên khu du lịch Sun World Fansipan Legend với đa dạng trải nghiệm cho du khách. Khu du lịch cũng góp phần tạo sự khởi sắc cho du lịch Sa Pa và Lào Cai, tăng trưởng khách du lịch đến Lào Cai giai đoạn 2015 - 2019 lên tới 144%. Đặc biệt, trong năm 2020, hai đợt kích cầu du lịch do Sun World Fansipan Legend và Hiệp hội Du lịch Sa Pa khởi xướng giúp lượng khách đến Sa Pa tăng 163%.

Lễ hội đền Thượng, điểm đến hành trình “Du lịch về cội nguồn”.

Cũng trong hành trình sáng tạo, Lào Cai còn có những sản phẩm du lịch làm nên thương hiệu, như du lịch tâm linh, du lịch chinh phục đỉnh cao, du lịch thể thao…

Từ chỗ “trắng” về sản phẩm, đến nay ngành du lịch Lào Cai đã có hàng chục sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách trong và ngoài nước. Thời gian tới, ngành du lịch Lào Cai tiếp tục tận dụng tiềm năng, thế mạnh để xây dựng hệ thống sản phẩm đặc trưng, khác biệt nhằm tạo ra điểm nhấn về du lịch của vùng Tây Bắc. Trong đó, tập trung phát triển 8 nhóm sản phẩm du lịch (nghỉ dưỡng cao cấp; văn hóa, cộng đồng; sinh thái, nông nghiệp, làng nghề; du lịch thể thao; hội thảo, sự kiện; mua sắm; du lịch thực tế ảo - du lịch thông minh và du lịch biên giới) với mục tiêu đến năm 2030 đưa vào khai thác khoảng 140 sản phẩm du lịch mới.

Với những thành công đã đạt được trong suốt 30 năm từ khi tái lập tỉnh, chắc chắn ngành du lịch Lào Cai sẽ tận dụng tốt cơ hội, nỗ lực, sáng tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, đem đến trải nghiệm phong phú, thú vị cho du khách, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn top đầu trên bản đồ du lịch của Việt Nam.

https://baolaocai.vn/bai-viet/347819-sang-tao-nhung-san-pham-du-lich-dac-trung

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...