Thông tư liên tịch số: 34 /2011/TTLT/BTTTT-BNG
Hướng dẫn việc phối hợp thi hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.Số: 34 /2011/TTLT/BTTTT-BNG
Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2011
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Căn cứ Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại,
Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Ngoại giao thống nhất quy định việc thi hành một số nội dung của Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong các nội dung công việc quy định tại Điều 7, Điều 8 Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, hoạt động thông tin đối ngoại thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư liên tịch này.
Điều 2. Cung cấp thông tin và hướng dẫn thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước
1. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì việc cung cấp thông tin và hướng dẫn thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước thông qua các hình thức sau:
a) Giao ban báo chí định kỳ;
b) Họp báo;
c) Cung cấp trực tiếp;
d) Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông; Trang thông tin điện tử đối ngoại;
đ) Các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin đối ngoại;
e) Các kế hoạch, chương trình hoạt động thông tin đối ngoại;
g) Các hình thức khác.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin về Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, theo chuyên đề hoặc khi có các sự kiện trong nước, quốc tế quan trọng để cung cấp thông tin và hướng dẫn thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước.
3. Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn báo chí trong nước đưa tin về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Nhà nước và phối hợp hướng dẫn đưa tin về tình hình quốc tế, tin trong nước liên quan đến đối ngoại.
4. Các Bộ, Ngành, địa phương trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, cung cấp thông tin và hướng dẫn thông tin đối ngoại cho báo chí; cử đại diện Lãnh đạo hoặc người phát ngôn tham dự giao ban báo chí định kỳ do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức để trực tiếp cung cấp, hướng dẫn thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước tại giao ban báo chí khi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị.
Điều 3. Xây dựng quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài
1. Căn cứ thực tiễn hoạt động thông tin đối ngoại và quy định của pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài.
2. Để có căn cứ xây dựng quy hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, nghiên cứu thực trạng và nhu cầu về mạng lưới đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm: xác định địa bàn trọng điểm thu thập thông tin và phổ biến thông tin đối ngoại; rà soát hiện trạng mạng lưới đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài; xác định năng lực cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam có nhu cầu đặt đại diện ở nước ngoài.
3. Các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam có nhu cầu đặt đại diện ở nước ngoài phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành và chấp hành chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật về báo chí.
Điều 4. Triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ngoài
1. Triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ngoài phải căn cứ kế hoạch, chương trình hoạt động thông tin đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Bộ Ngoại giao chủ trì triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ngoài.
2. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm báo cáo Bộ Ngoại giao trước khi tổ chức sự kiện ở nước ngoài và thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp thực hiện nội dung thông tin đối ngoại.
3. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành và địa phương tổ chức tốt các hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ngoài; chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương cung cấp thông tin, ấn phẩm tuyên truyền để các cơ quan đại diện nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
4. Các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan đại diện của mình ở nước ngoài tham gia các hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ngoài theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông và hướng dẫn của Bộ Ngoại giao; thông qua cơ quan đại diện nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt các hoạt động đối ngoại để chủ động tham gia, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 5. Tổ chức họp báo quốc tế, chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn của Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ cho phóng viên nước ngoài
1. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức và chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn của Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ cho phóng viên nước ngoài.
2. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các cuộc họp báo quốc tế của lãnh đạo cấp cao Nhà nước và Chính phủ ở trong nước và ở nước ngoài.
3. Bộ Ngoại giao tổ chức các cuộc họp báo thường kỳ của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
4. Các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm kịp thời cung cấp cho Bộ Ngoại giao thông tin về những vấn đề liên quan đến phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao để chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn cho phóng viên nước ngoài và các cuộc họp báo quốc tế của lãnh đạo cấp cao Nhà nước và Chính phủ.
Điều 6. Quản lý và cấp phép hoạt động báo chí cho phóng viên nước ngoài tại Việt Nam
1. Bộ Ngoại giao chủ trì quản lý và cấp phép hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài tại Việt Nam theo các quy định hiện hành; tạo điều kiện thuận lợi để các Bộ, ngành, địa phương mời phóng viên nước ngoài vào đưa tin, viết bài, làm phóng sự quảng bá về Việt Nam.
2. Các Bộ, ngành và địa phương phối hợp với Bộ Ngoại giao quản lý hoạt động của phóng viên nước ngoài trong phạm vi chức năng của mình. Định kỳ hoặc đột xuất, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) báo cáo về hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài tại địa phương gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp, đồng gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để theo dõi chung.
Điều 7. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thông tin đối ngoại; tổng hợp, đánh giá việc thực hiện công tác thông tin đối ngoại
1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch thông tin đối ngoại của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tham mưu cho Chính phủ ban hành Kế hoạch, Chương trình hoạt động thông tin đối ngoại 5 năm gắn với lộ trình Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Chính phủ; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thông tin đối ngoại hàng năm để triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ kế hoạch, chương trình hoạt động thông tin đối ngoại dài hạn của Chính phủ để đề xuất, đăng ký các hoạt động thông tin đối ngoại hàng năm và dự toán kinh phí hoạt động thông tin đối ngoại gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp. Thời hạn gửi báo cáo dự toán kinh phí trước ngày 01 tháng 7 hàng năm để tổng hợp gửi Bộ Tài chính.
3. Hàng năm, trên cơ sở ngân sách nhà nước được cấp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đảm bảo kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại và triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho Cục Thông tin đối ngoại có trách nhiệm tham mưu và giúp Bộ trưởng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại và hướng dẫn các sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện.
2. Bộ Ngoại giao giao cho Vụ Thông tin Báo chí có trách nhiệm tham mưu và giúp Bộ trưởng triển khai các nội dung phối hợp trong công tác thông tin đối ngoại và hướng dẫn cơ quan đại diện nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Sở Ngoại vụ hoặc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với địa phương không thành lập Sở Ngoại vụ) tổ chức thực hiện.
3. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, trao đổi thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ với Giám đốc Sở Ngoại vụ, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Lãnh đạo các Sở, ban ngành địa phương tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tại địa phương; tổ chức sơ kết, tổng kết công tác thông tin đối ngoại trong phạm vi địa phương và đề ra kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm tiếp theo, đề nghị khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác thông tin đối ngoại.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 01 năm 2012.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Thông tin đối ngoại)./.
Xem file đính kèm