30 năm khơi dậy khát vọng, sáng tạo, tạo đột phá vì một Lào Cai phát triển nhanh và bền vững

    TS. Đặng Xuân Phong

       Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai

Năm 1991, bước vào thực hiện Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”, theo chỉ đạo của Trung ương, để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với chính quyền các cấp, xác định hợp lý quy mô, địa giới hành chính nhằm khai thác các tiềm năng, phát huy các lợi thế để thúc đẩy kinh tế phát triển, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII đã ra nghị quyết chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 13/9/1991, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn đã ra nghị quyết đề bạt và phân công cán bộ của hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái và đến ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Trải qua 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển, Lào Cai đã có sự điều chỉnh về địa giới hành chính, chia tách, sáp nhập để phù hợp với yêu cầu phát triển.

Vóc dáng Khu Đô thị mới Lào Cai - Cam Đường.    Ảnh: Ngọc Bằng

Trở lại những ngày đầu mới tái lập tỉnh, Lào Cai phải đối mặt với thách thức, khó khăn bộn bề bởi hậu quả của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979). Lúc đó, Lào Cai nằm trong số 6 tỉnh nghèo nhất cả nước. Toàn tỉnh có 14 xã “trắng” về giáo dục; 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia; 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 54/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; 55% hộ thuộc diện đói, nghèo; 36 xã chưa có trạm y tế; nhiều hủ tục còn nặng nề; hơn 30% cán bộ xã không biết chữ; tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp, khó lường… Các trung tâm thị xã, thị trấn trong tỉnh gần như bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh. Đây là những khó khăn chồng chất, đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vươn lên của cả hệ thống chính trị.

Chặng đường 10 năm đầu tái lập tỉnh (1991-2000) xác định là giai đoạn tập trung khắc phục khó khăn và định hình hướng đi để xây dựng và kiến thiết quê hương. Công việc trước mắt cần tập trung là sắp xếp ổn định hoạt động của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, ưu tiên xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư cho giáo dục, dồn lực cho nông thôn vùng cao để cải thiện đời sống người dân, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển về sau. Mục tiêu là vậy, song nguồn lực từ đâu là câu hỏi lớn, một bài toán không dễ có lời giải trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước. Bằng nhiều quyết sách táo bạo và khát vọng vươn lên, Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, quy mô GRDP ngày càng lớn, năm 2000 gấp 2,1 lần năm 1991. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp - công nghiệp - du lịch, dịch vụ chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách địa phương năm 2000 đạt 400 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần năm 1991, thu nhập bình quân đầu người gấp hơn 3 lần so với năm 1991; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm mạnh, từ 55% (1991) xuống còn 21% (2000). Nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội) có bước chuyển biến tích cực. Năm 2000, Lào Cai đã xóa xã “trắng” về y tế, tỷ lệ người biết chữ từ 15 tuổi trở lên chiếm 68,8%; 108 xã, phường, thị trấn được phủ sóng truyền hình; 98 xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, hướng tới mục tiêu xóa thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng. Đó là những thành quả ban đầu, tạo cơ sở, tiền đề vững chắc cho sự phát triển sau này.

Bước vào thập niên đầu của thế kỷ XXI (2001-2010), Lào Cai thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung khơi thông điểm nghẽn, tạo tiền đề cho sự phát triển bứt phá trên nhiều lĩnh vực. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, tỉnh đã chủ động đề xuất với Trung ương cho cơ chế đặc thù thay vì đề xuất cấp ngân sách cho địa phương. Với cách làm đó, Lào Cai đã có được nguồn lực cần thiết để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng mạnh về cơ sở bằng các chương trình, đề án, nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII, khóa XIII. Với quan điểm biến tiềm năng thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội phát triển, Lào Cai đã quyết liệt xúc tiến các dự án trọng điểm (cao tốc Nội Bài - Lào Cai; thực hiện chiến lược “rời đô”, mở rộng không gian phát triển của thành phố Lào Cai về phía Nam, dành toàn bộ khu hành chính cũ cho phát triển kinh tế cửa khẩu; quy hoạch mạng lưới đô thị với tầm nhìn dài hạn; hiện thực hóa chủ trương “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”…).

Những quyết sách táo bạo và sáng tạo này đã từng bước đưa Lào Cai trở thành vùng động lực phát triển, là cửa ngõ kết nối giao thương giữa thị trường Tây Nam Trung Quốc với cả nước và khu vực ASEAN. Đây cũng là chặng đường đánh dấu hoạt động đối ngoại của tỉnh rất rộng mở và sôi động với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Với tầm nhìn chiến lược, trong 10 năm (2001-2010), tỉnh Lào Cai đã định hướng đúng và có bước phát triển nhanh chóng, toàn diện trên các lĩnh vực. Quy mô GRDP năm 2010 gấp 3,6 lần so với năm 2000, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2010 gấp 5 lần năm 2000; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 7 lần so với năm 2000; giá trị sản xuất kinh tế dịch vụ gấp 3 lần so với năm 2000; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.540 tỷ đồng (gấp 4,9 lần so với năm 2000), tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Lào Cai sớm hoàn thành các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục, hoàn chỉnh hệ thống y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thường xuyên được củng cố, giữ vững và mở rộng. Những quyết sách đúng đắn đã đưa Lào Cai từ một tỉnh nghèo nhất của cả nước dần vươn lên thành tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc.

10 năm trở lại đây (2011-2020) là chặng đường Lào Cai tập trung nâng tầm vị thế, phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững. Với chủ trương lấy công nghiệp chế biến sâu làm đột phá, thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn, đồng thời tiếp tục tập trung cho nông nghiệp, nông thôn, lấy xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, ưu tiên. Thành tựu đạt được của tỉnh Lào Cai từ năm 2011 đến năm 2020 là rất tự hào, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt mức cao, quy mô GRDP ngày càng lớn, năm 2020 gấp 2,4 lần so với năm 2010. Điểm dễ nhận thấy ở những đổi thay nhanh chóng về kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ. Tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai được hoàn thành và thông xe mở ra cơ hội và triển vọng lớn cùng với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Khu kinh tế cửa khẩu được quy hoạch và mở rộng với quy mô bề thế, ngày càng hiện đại. Chiến lược phát triển du lịch được hoạch định và đi vào thực hiện với trung tâm du lịch thị xã Sa Pa trở thành vùng động lực tăng trưởng, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, mang tầm quốc tế. Các khu công nghiệp, khu đô thị mới ngày càng được hoàn thiện và khang trang... Kết quả này có được là nhờ tỉnh Lào Cai luôn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc đề ra cơ chế, chính sách, dám đột phá, đi trước, mở đường cho sự phát triển, không bị ràng buộc bởi những cơ chế, chính sách có độ trễ lớn.

Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực vươn lên của toàn Đảng bộ, Lào Cai đã có bước chuyển mình nhanh chóng. Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước, sau 30  năm tái lập, về kinh tế, Lào Cai đang vươn lên trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991- 2020 đạt 10,2%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 9.172 tỷ đồng (gấp 252 lần so với năm 1991); GRDP bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng (gấp 113 lần so với năm 1991); tỷ lệ giảm nghèo từ 55% (1991) xuống còn 8,46% (2020) theo tiêu chí mới; khách du lịch đến Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người (2019), đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới với 61/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, thôn, bản có đường giao thông kiên cố và điện lưới quốc gia. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn được xếp thứ hạng cao của cả nước, là tỉnh đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI).

Lào Cai đã hoàn thành cơ bản việc kết nối hệ thống mạng lưới giao thông với Hà Nội và các tỉnh lân cận (đường sắt, đường sông, đường bộ cao tốc và đang phấn đấu hoàn thành tuyến đường hàng không dân dụng). Giáo dục, y tế có bước phát triển vượt bậc, ngày đầu tái lập, 60% trẻ trong độ tuổi chưa được tới trường, đến năm 2000, Lào Cai đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; năm 2007, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2013, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt kết quả toàn diện, đạt tỷ lệ 12,6 bác sỹ/vạn dân; 9 bệnh viện tuyến huyện, 164 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 3 bệnh viện tuyến tỉnh và 1 bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 700 giường bệnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc, mạng lưới đô thị phát triển nhanh chóng, ngày càng hiện đại với 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả toàn diện. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nhiều đổi mới, sáng tạo, nền nếp, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được thực hiện nghiêm túc. Bộ máy từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Xây dựng chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả. Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ được phát huy, quyền làm chủ của Nhân dân được bảo đảm. Với những kết quả vượt bậc, Lào Cai luôn sáng tạo và thể hiện khát vọng vươn lên trên mỗi chặng đường phát triển với tư duy lớn hơn, nhìn xa và rộng hơn để đưa tỉnh phát triển vững chắc.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI.

Chặng đường 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển để lại cho Lào Cai những bài học kinh nghiệm quý trong hành trình trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, đó là:

Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên để hiện thực hóa tầm nhìn Lào Cai trên mỗi chặng đường phát triển. Những ngày đầu tái lập tỉnh, tâm lý chung của nhiều cán bộ, đảng viên và người dân muốn ở lại Yên Bái để ổn định thay vì lên Lào Cai lập nghiệp, một vùng đất hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh, đầy bom, mìn và khó khăn chồng chất. Trong hoàn cảnh ấy, Đảng bộ tỉnh xác định, công tác tư tưởng phải đi trước, mở đường, tạo sự đồng thuận, khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến của mỗi con người Lào Cai. Chủ trương ấy của Đảng bộ được hiện thực hóa sinh động bằng các chương trình, kế hoạch, nghị quyết, đề án cụ thể nhằm khơi thông tư tưởng, thúc đẩy sự sáng tạo với phương châm “không gì là không thể”, “khó khăn ở đâu, tháo gỡ ở đó”. Trải qua 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển, từ một vùng đất hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh, Lào Cai đã có được một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín xứng đáng, trở thành vùng động lực phát triển, trung tâm kết nối vùng và cả nước.

Phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh là yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh ngày càng phồn thịnh, hạnh phúc. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ khi lên thăm tỉnh (ngày 23 - 24/9/1958): “Các dân tộc đều phải biết đoàn kết chặt chẽ, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt…”, truyền thống ấy tiếp tục được hun đúc qua năm tháng. Trong 30 năm tái lập và phát triển, một lần nữa truyền thống đoàn kết ấy lại được phát huy cao độ và trở thành truyền thống quý báu của cả Đảng bộ. Chủ trương đúng, giải pháp phù hợp cùng sự vào cuộc, đồng sức, đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân, Lào Cai đã đạt được những mục tiêu phát triển sớm hơn dự định. Điều đó khẳng định truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí, trên dưới một lòng vì một Lào Cai phát triển nhanh và bền vững.

Nhận định đúng tình hình, đề ra các mục tiêu với khát vọng lớn và tập trung lãnh đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh là nhân tố quyết định để khơi thông nguồn lực cho phát triển. 30 năm qua, lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi, mỗi giai đoạn phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều nhận diện chính xác tình hình, đề ra chủ trương, quyết sách phù hợp. Điểm dễ nhận thấy đó là, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa đều thể hiện sự trăn trở, toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai, nhất là ở những thời điểm khó khăn, có ý nghĩa quyết định. Những thành tựu nổi bật 30 năm qua khẳng định sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai có tính chất quyết định, dẫn dắt toàn bộ quá trình hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh trong dòng chảy chung của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế để phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường về sau. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai cũng luôn coi trọng phương châm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, biến tiềm năng thành thế mạnh, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Nhờ đánh giá đúng thế mạnh, nên trong quyết sách của tỉnh đều được cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án, nghị quyết, kế hoạch cụ thể để gắn với bố trí các nguồn lực để tập trung triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Việc phát huy nội lực (tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì một Lào Cai phát triển…) để đề ra đường hướng đúng đắn là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến quyết sách của tỉnh qua mỗi thời kỳ. Bên cạnh đó, việc tranh thủ tối đa ngoại lực từ sự quan tâm của Trung ương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước là nguồn lực quan trọng để tạo nền tảng phát triển vững chắc cho chặng đường tiếp theo.

Quan tâm, chăm lo đến công tác cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh. Bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, sử dụng hiệu quả năng lực đội ngũ cán bộ cốt cán, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong suốt chặng đường 30 năm tái lập, Đảng bộ tỉnh luôn xác định để sáng tạo, đổi mới phải có những con người Lào Cai đổi mới, sáng tạo. Xuất phát từ quan điểm ấy, công tác cán bộ luôn được tỉnh và các địa phương quan tâm, chăm lo xây dựng. Từng bước lựa chọn những cán bộ có năng lực, trình độ để đào tạo, luân chuyển, trở thành những cán bộ vừa hồng vừa chuyên, nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm thực tiễn và luôn khao khát cống hiến, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì một Lào Cai phát triển toàn diện và bền vững. Qua mỗi giai đoạn phát triển, lãnh đạo, cán bộ Lào Cai luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược, vừa có sự kế thừa vừa đổi mới sáng tạo trên mỗi bước đi để đề ra các quyết sách phù hợp với điều kiện của một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc.

Trên chặng đường phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tự hào về chặng đường đã đi qua, mục tiêu trở thành tỉnh phát triển của miền núi phía Bắc đã hoàn thành. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ vì một Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định những mục tiêu lớn, không chỉ cụ thể cho 5 năm, mà cho cả tầm nhìn dài hạn để đến năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và đến năm 2045, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Mục tiêu càng lớn, thử thách càng nhiều, trong tổng thể chính sách phát triển của Lào Cai trong dài hạn ngày càng được định hình sáng rõ. Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng bằng 18 đề án trọng tâm cùng với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp và 2 lĩnh vực đột phá để thực hiện đến năm 2025.

Để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Lào Cai xác định tập trung vào một số lĩnh vực đột phá nhằm tạo ra cơ chế thông thoáng, mở đường cho sự phát triển trên chặng đường tiếp theo. Thứ nhất, cần xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách để tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án qui mô thu hút sử dụng nhiều lao động, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với những lĩnh vực then chốt gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thứ hai, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn quyền lợi và trách nhiệm của các địa phương, đơn vị, phát huy sáng tạo, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với khó khăn thử thách. Thứ ba, qui hoạch và thực hiện thật tốt qui hoạch, gắn kết chặt chẽ, khoa học, đồng bộ giữa quy hoạch chung, vùng, liên vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Thứ tư, phát triển du lịch - dịch vụ là mũi nhọn để đột phá; trong đó tập trung xây dựng Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế; đưa Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành trung tâm logistics lớn của cả nước. Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn; chú trọng phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng cho chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy. Phát triển công nghiệp là trụ cột, tập trung chế biến sâu các sản phẩm của tỉnh. Chuyển dịch mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo chuỗi, gắn với thị trường để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho khu vực nông thôn.

Năm 2021 đánh dấu chặng đường 30 năm tái lập tỉnh, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới rất nặng nề nhưng cũng vô cùng vẻ vang. Với ý chí, tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn lên, không tự thỏa mãn với chính mình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai nguyện đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm đưa Lào Cai trở thành điểm sáng vùng Tây Bắc của Tổ quốc, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

https://baolaocai.vn/bai-viet/347810-30-nam-khoi-day-khat-vong-sang-tao-tao-dot-pha-vi-mot-lao-cai-phat-trien-nhanh-va-ben-vung

Báo Lào Cai

Tin Liên Quan

Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024 - Hứa hẹn gay cấn nhờ ngoại binh

Giai đoạn 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 – 17/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai hứa hẹn đầy kịch tính và hấp dẫn khi các đội có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, đặc biệt là lực lượng vận động viên ngoại binh khi 8 trong số 9 đội bóng đã ký hợp...

Phấn đấu vượt tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông

Chiều 3/11, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng về tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông.

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...