Bắc Hà: hấp dẫn mỗi bước chân
Bắc Hà là một huyện nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, là mảnh đất lưu giữ nhiều danh thắng tuyệt đẹp và các di tích lịch sử nổi tiếng. Cao nguyên trắng vùng Tây Bắc - Bắc Hà hứa hẹn sẽ là một điểm đến lý tưởng và không thể bỏ lỡ của mỗi du khách khi trải nghiệm du lịch tại Lào Cai.Những vườn hoa mận trắng, hấp dẫn nhiều du khách.
Khác với khu du lịch quốc gia Sa Pa, Cao nguyên trắng Bắc Hà lại có sức hấp dẫn đặc biệt riêng, níu chân mọi du khách gần xa bằng vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu mát mẻ, cùng với sự nguyên vẹn bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi vùng cao Tây Bắc này.
Nằm ở độ cao 1.000m - 1.500m so với mực nước biển, phần lớn địa hình của Bắc Hà là núi cao với nhiều núi đá vôi cheo leo, cung đường đi tới Bắc Hà quanh co và bám ôm theo lưng chừng núi. Tuy nhiên, nhờ có sự phát triển về giao thông đường bộ nên đường đến với Bắc Hà hiện nay đã dễ dàng hơn rất nhiều; cách Hà Nội trên dưới khoảng 300km, du khách có thể di chuyển bằng xe cá nhân hoặc xe khách là đã đặt chân tới Bắc Hà.
Bắc Hà là mảnh đất giàu bản sắc văn hoá, nơi sinh sống của 14 dân tộc anh em; vì vậy trong các thôn, bản vẫn còn gìn giữ được những nét hoang sơ, mộc mạc, đặc trưng của mỗi dân tộc. Mỗi năm, Bắc Hà có hàng chục lễ hội truyền thống đặc sắc như: lễ hội Gầu Tào của người Mông, tục nhảy lửa đầu năm mới của người Dao đỏ, hội Lồng Tồng (xuống đồng), hội múa xoè của người Tày, lễ hội đua ngựa,.. Những nét văn hoá đặc sắc còn thể hiện qua những điệu múa khèn, múa sinh tiền của người H’Mông; hát then, hát lượn, hát giao duyên,.. của người Nùng, Tày; bên cạnh đó, tại nhiều thôn bản các nghề truyền thống như: nghề làm bạc của người Dao, nghề rèn đúc và nấu rượu của người Mông, nghề làm yên ngựa của người Phù Lá,..vẫn được gìn giữ và phát triển.
Nếu có dịp ghé qua Bắc Hà vào tháng 6, du khách không thể bỏ lỡ Lễ hội đua ngựa Bắc Hà được tổ chức thường niên mỗi năm một lần. Giải đua ngựa Bắc Hà đã đáp ứng được nhu cầu trong đời sống văn hoá tinh thần cũng như góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh con người và du lịch Bắc Hà đến với du khách trong và ngoài nước.
Bắc Hà được thiên nhiên ưu ái, có khí hậu mát mẻ, cùng nhiều danh lam thắng cảnh như hang Rồng Tả Văn Chư, hang Tiên trên sông Chảy, núi Ba mẹ con, rừng chè cổ thụ Hoàng Thu Phố,...và nhiều di tích văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia như Dinh thự Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, đền Trung Đô, động Thiên Long,..Cao nguyên trắng vùng Tây Bắc đang vươn mình mở rộng phát triển du lịch, phát huy hết lợi thế về tự nhiên, đồng thời tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Dinh thự Hoàng A Tưởng, một điểm không thể bỏ qua khi đến với Bắc Hà.
Đến với Bắc Hà, du khách không thể không ghé thăm Dinh thự Hoàng A tưởng (hay còn được biết đến với tên gọi là Dinh vua Mèo), với kiến trúc đặc sắc bởi sự kết hợp hài hòa giữa phong cách châu Âu và châu Á. Dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng từ năm 1914 và hoàn thành năm 1921, trải qua thời gian hàng 100 năm, nhưng nét kiến trúc độc đáo vẫn còn nguyên vẹn. Đây là một địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách tới tham quan và tìm hiểu về trang sử tại dinh thự này.
Bên cạnh hoạt động tham quan các kỳ quan thiên nhiên, khám phá chợ phiên cũng là một trải nghiệm không thể bỏ qua. Chợ Bắc Hà (Lào Cai) được biết đến là Chợ phiên lớn nhất miền Tây Bắc và vẫn giữ được nếp sinh hoạt với các phong tục tập quán truyền thống đặc sắc của người bản địa nơi đây. Được họp định kì vào mỗi chủ nhật hàng tuần, phiên chợ có đủ mọi sản vật của núi rừng Tây Bắc như: mật ong, rau rừng, thảo quả,… cho tới các đồ nhu yếu phẩm, nhưng thu hút khách du lịch nhất vẫn là những món đồ trang sức đủ loại mẫu mã, những chiếc áo thổ cẩm được thêu tỉ mỉ bằng chính đôi bàn tay của người đồng bào nơi đây.
Ngoài ra, Bắc Hà còn được biết đến với nhiều món ăn đặc sản, mang đậm mang đậm bản sắc và hương vị riêng của mỗi dân tộc như: phở chua, gà đen, thịt lợn đen, cốm Bắc Hà, bánh chưng đen, sủi dìn, mèn mén, gạo khẩu nậm xít… Đặc biệt là món Thắng cố hay còn gọi là Khấu Tha (canh thịt), món ăn này có thể nấu bằng nhiều loại thịt nhưng thịt ngựa là ngon nhất. Thịt được ướp cùng với các gia vị truyền thống như: thảo quả, địa điền, muối hạt,... rồi đem xào nấu trên chảo lớn, ninh trong nhiều giờ để thịt nhừ và hoà quyện vào các gia vị, tạo nên hương thơm hấp dẫn mọi du khách tới để thưởng thức. Một bát thắng cố nóng hổi cùng với chén rượu ngô thơm nồng sẽ khiến mỗi du khách thêm “say” hương vị núi rừng nơi đây.