Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai: “hạt nhân” vùng Tây Bắc
Cùng đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai sau 30 tái lập tỉnh, Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành “hạt nhân” trong bức tranh kinh tế vùng Tây Bắc.Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành (Lào Cai- Việt Nam) – Hà Khẩu (Vân Nam- Trung Quốc) năm 2021
Xây dựng vùng kinh tế động lực chủ đạo
Mô hình phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai được quy hoạch và xây dựng theo Quyết định số 100/1998/QĐ-TTg ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng thí điểm một số chính sách tại một số khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lào Cai. Trên thực tế, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thực sự đi vào hoạt động từ năm 2001 và đến nay Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được quy hoạch, xây dựng điều chỉnh theo Quyết định 1627/QĐ-TTg ngày 23/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu, tính chất: Xây dựng Khu KTCK Lào Cai thành vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lào Cai. Là khu KTCK đa ngành, điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai và các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ; là một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam -Trung Quốc... Với những cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng cho Khu kinh tế cửa khẩu trong thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lào Cai.
So với các địa phương khác trong cả nước, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có nhiều lợi thế đặc biệt, là địa phương có cửa khẩu duy nhất ở phía Bắc Việt Nam nằm trong lòng một thành phố trực thuộc tỉnh, nên có cả hệ thống dịch vụ của một thành phố phục vụ cho nhu cầu giao lưu kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu. Hơn nữa, với cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, là cửa ngõ quan trọng, là điểm trung chuyển hàng hoá dịch vụ với hành trình ngắn nhất nối Việt Nam và các nước trong khu vực qua cảng biển tới các tỉnh miền Tây Nam -Trung Quốc và các nước ASEAN thông qua tuyến đường cao tốc Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam). Đây cũng là một trong những vùng đệm quan trọng nhất của Khu vực Thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) đã được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2010.
Sớm xác định lợi thế của Khu KTCK trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, Lào Cai luôn đặt mục tiêu "Khai thác tốt nhất những lợi thế về cửa khẩu, đưa kinh tế cửa khẩu thực sự là mũi nhọn, là động lực để phát triển kinh tế địa phương". Song trên thực tế, được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Lào Cai đã tranh thủ thời cơ, phát huy địa lợi nên địa phương đã xây dựng "Ðề án phát triển kinh tế cửa khẩu" qua các giai đoạn 2001- 2020; trọng tâm là phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng, áp dụng cơ chế quản lý vận hành khoa học, tiên tiến, chính sách thu hút đầu tư và cung cấp các dịch vụ công hiệu quả.
Với “cú hích” đầu tiên là Lào Cai đã thực hiện quy hoạch và di chuyển trung tâm hành chính tỉnh lỵ về đô thị mới ngoài khu KTCK, tạo quỹ đất, cơ chế cho phát triển thương mại, dịch vụ trong khu kinh tế cửa khẩu. Từ diện tích ban đầu được phê duyệt (theo Quyết định 100/1998/QĐ.TTg) 6.513,8 ha, đến nay Khu KTCK Lào Cai có tổng diện tích trên 15.929,8 ha. Theo đó, Khu KTCK của tỉnh trải dài trên các huyện: Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai đang tiếp tục tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng với diện tích khoảng 1.400 ha. Đây là khu “hạt nhân” của khu KTCK với 5 chức năng, gồm: Khu cửa khẩu quốc tế Kim Thành; Khu dịch vụ hậu cần Logistic; Khu phức hợp vui chơi giải trí và sân gofl huyện Bát Xát; khu gia công sản xuất, xuất nhập khẩu Bản Qua và Khu cửa khẩu Bản Vược.
Công tác xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật các cửa khẩu tỉnh Lào Cai được quan tâm đầu tư, hoàn thiện qua các năm. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, giai đoạn 2001-2020, tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên 2.600 tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng tại khu KTCK. Việc tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng, phục vụ tốt hơn nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Lào Cai, trở thành động lực chủ yếu cho phát triển KTCK.
Những năm gần đây, Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều biện pháp, chính sách nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác kinh tế, thương mại thông qua việc mở cửa biên giới. Hoạt động thương mại của các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông qua các cửa khẩu đã góp phần nâng cao kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả hai nước. Đặc biệt, hàng năm, hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam thường xuyên cử các đoàn đại biểu cấp tỉnh sang thăm và hội đàm bàn hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội và xây dựng biên giới hòa bình, ổn định. Quan hệ hợp tác thân thiện, hiểu biết lẫn nhau giữa chính quyền hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam là điều kiện, là môi trường thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hai bên tích cực xúc tiến đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Những dấu ấn quan trọng
Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Khu KTCK Lào Cai ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong vị thế “cầu nối” của Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế động lực, cửa ngõ thông thương của các tỉnh miền Bắc Việt Nam với vùng Tây Nam của Trung Quốc. Nhìn lại giai đoạn 2001 – 2020, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu tăng bình quân trên 15%/năm. Năm 2001, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai chỉ đứng ở con số khiêm tốn 210 triệu USD, đến năm 2011, Lào Cai đã trở thành cửa khẩu “Tỷ đô” (đạt trên 1,66 tỷ USD), tăng gấp 7,9 lần so với năm 2001; đến năm 2020 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song hoạt động xuất nhập khẩu nơi đây vẫn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai vẫn đạt kết quả ấn tượng với con số 3,23 tỷ USD, tăng gấp 15,38 lần so với năm đầu tiên đi vào hoạt động. Điều đó cho thấy sự phát triển vượt bậc của hoạt động thương mại trên tuyến biên giới Việt – Trung.
Hoạt động xuất, nhập cảnh nơi đây ngày càng sôi động. Giai đoạn 2001 – 2020 hàng năm gần 1,5 triệu lượt người tham gia hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, góp phần quan trọng cho hoạt động du lịch của địa phương. Hoạt động đối ngoại và thu hút đầu tư cũng đạt kết quả rất khả quan. Tính đến hết năm 2020, trong khu kinh tế cửa khẩu đã có 240 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 16 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có những dự án lớn như Nhà máy Luyện đồng Bản Qua công suất 20 nghìn tấn/năm với tổng vốn đầu tư 3,9 nghìn tỷ đồng; các dự án Logistics, kho bãi hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng... Hiện nay, thường xuyên có gần 600 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, góp phần đẩy mạnh phát triển giao lưu kinh tế qua biên giới và tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng biên cương.
Giai đoạn 2001- 2010, số thu ngân sách trên địa bàn khu KTCK.đạt bình quân trên 350 tỷ đồng/năm. Từ một tỉnh nghèo, song nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khu KTCK đã góp phần cho Lào Cai vươn lên gia nhập “câu lạc bộ” các tỉnh có số thu ngân sách qua cửa khẩu trên 1.000 tỷ đồng/năm vào năm 2011 (đạt 1.266 tỷ đồng). Giai đoạn từ 2011-20120, thu ngân sách qua cửa khẩu đạt trên 1.900 tỷ đồng/năm; tổng thu nộp ngân sách qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm gần 30% thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Khải, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, những năm vừa qua, Khu KTCK Lào Cai đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và tỉnh, nên ngày càng phát triển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thích hợp. Đến nay, Khu KTCK Lào Cai trở thành "hạt nhân kinh tế" của vùng Tây Bắc. Để phát triển Khu KTKC Lào Cai theo quy hoạch chung xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung là phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu của tỉnh là vùng kinh tế động lực chủ đạo của địa phương và là 1 trong 8 khu KTCK trọng điểm của quốc gia. Bởi vậy, hoạt động của Khu KTCK Lào Cai không đơn thuần là một cực phát triển của vùng mà còn là trung tâm giao thương giữa các nước ASEAN và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.
Với địa thế phát triển, tỉnh Lào Cai đã và đang tiếp tục ưu tiên phát triển Khu KTCK theo hướng đề cao thương mại, dịch vụ (phát triển hệ thống logistic, khu vực kho cảng cạn, bến bãi tập kết hàng hóa), đầu tư xây dựng đô thị - công nghiệp tập trung (các cụm công nghiệp, khu vui chơi giải trí, các khu chức năng khác và hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam… sẽ là những động lực mới để Khu KTCK Lào Cai có những bước bứt phá ngoạn mục trong thời gian tới với vai trò khu kinh tế động lực chủ đạo, đầu tàu kinh tế của vùng Tây Bắc./.