Bản tin số 135 về phòng, chống dịch COVID-19 tính đến 18h00 ngày 26/8/2021

I. Kết quả truy vết, xét nghiệm

1. Thông tin ca bệnh:

- Ghi nhận trong ngày: 0 trường hợp. Lũy kế 94 bệnh nhân.

- Bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện trong ngày: 01 người. Luỹ kế: 40 người.

- Hiện còn 54 bệnh nhân đang điều trị tại tỉnh Lào Cai.

2. Các trường hợp về từ vùng dịch Hà Nội:

- Ghi nhận trong ngày: 49 người. Luỹ kế: 892 người. Hiện còn 416 người đang cách ly tập trung.

- Xét nghiệm: 892 mẫu. Kết quả xét nghiệm: 843 mẫu âm tính, 49 mẫu đang chờ kết quả.

3. Các trường hợp F1 và về từ vùng dịch thuộc các tỉnh phía nam:

- Ghi nhận trong ngày: 0 người. Luỹ kế: 1.058 người. Hiện còn cách ly: 149 người.

- Luỹ kế xét nghiệm: 1.058 mẫu. Kết quả xét nghiệm: 1.058 mẫu âm tính.

4. Các trường hợp về từ các vùng dịch khác trong nước:

- Ghi nhận trong ngày: 02 người. Luỹ kế: 1.059 người. Hiện còn cách ly: 30 người.

- Xét nghiệm: 1.059 mẫu. Kết quả xét nghiệm: 1.057 mẫu âm tính, 02 mẫu đang chờ kết quả.

5. Chốt kiểm dịch:

- Số người về qua chốt trong ngày: 4.519 người.

- Số phương tiện qua chốt trong ngày: 2.667  xe.

- Xét nghiệm Test nhanh:

+ Mẫu lấy trong ngày: 1.218 mẫu.

+ Kết quả xét nghiệm: 1.218 mẫu âm tính.

6. Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19:

6.1. Tổng số vắc xin đã nhận (tính đến 19/8/2021): 106.670 liều.

6.2. Tổng số mũi tiêm được: 98.355 mũi tiêm, trong đó:

- Số người tiêm mũi 1: 73.920 người (chiếm 10,1% dân số).

- Số người tiêm đủ 2 mũi: 24.435 người ( chiếm 3,3% dân số).

6.3. Các đợt tiêm vắc xin hiện đang triển khai:

- Vắc xin Moderna mũi 2 (triển khai từ 24/8): 1.420/16.800 người. Đạt 8,5%.

- Vắc xin VeroCell mũi 2 (Triển khai từ 10/8): 8.212/8.690 người. Đạt: 94,5%.

II. Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (NQ số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (QĐ số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021)

1. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã rà soát và thông báo cho 1.341 đơn vị sử dụng lao động với tổng số tiền 1.575.891.575 đồng để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19.

2. Các nhóm hỗ trợ thuộc Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021:

UBND tỉnh ban hành các Quyết định phê duyệt cho 1376 đối tượng bao gồm Người lao động ngừng việc; chấm dứt HĐLĐ; hỗ trợ cho người đang điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế; nhóm hỗ trợ bổ sung và trẻ em điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế; đạo diễn nghệ thuật hạng chức danh nghề nghiệp hạng IV; hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất kinh doanh và nhóm lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động với tổng kinh phí hỗ trợ là 2.351.611.000 đồng.

III. Chỉ đạo của Tỉnh ủy- UBND tỉnh và hướng dẫn của các sở, ngành

1.Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Công văn số 551-CV/TU ngày 25/8/2021 về việc triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19: Công văn số 551-CV/TU ngày 25/8/2021 gửi kèm theo.

2. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3045/QĐ-UBND ngày 24/8/2021 về việc thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1 trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

Cụ thể như sau:

- Chức năng: Bệnh viện Dã chiến số 1 có chức năng thu dung, khám bệnh, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân Covid-19 theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh Lào Cai.

- Trụ sở: Đường Chiềng On, phường Binh Minh, Thành phố Lào Cai (trụ sở cũ của Trung tâm Pháp Y tỉnh).

- Quy mô giường bệnh: 150 giường.

- Nhiệm vụ, quyền hạn:

+ Bệnh viện Dã chiến số 1 thực hiện nhiệm vụ thu dung, khám bệnh, điều trị, chăm sóc, cấp cứu bệnh nhân Covid-19.

+ Tổ chức và hoạt động của các khu trong Bệnh viện Dã chiến số 1 được bố trí theo nguyên tắc một chiều, tương đối tách biệt, phòng chống lây nhiễm chéo; thuận tiện cho việc chăm sóc và điều trị cùng lúc nhiều người bệnh Covid-19; hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn; được bố trí nhân lực phù hợp, đáp ứng các yêu cầu cơ bản về các phương tiện, máy móc, dụng cụ, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn.

+ Các nhiệm vụ khác của Bệnh viện Dã chiến số 1 thực hiện theo Quyết định số 1942/QĐ-BYT ngày 04/5/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành mô hình tổ chức, hoạt động bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 và theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

3. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3095/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 về việc kích hoạt hoạt động Bệnh viện Dã chiến số 1 trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

Cụ thể như sau:

Kích hoạt hoạt động Bệnh viện Dã chiến số 1 trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Tên gọi: Bệnh viện Dã chiến số 1.

- Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ 8h ngày 26/8/2021 cho đến khi có thông báo mới của cấp có thẩm quyền.

- Chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân lực của Bệnh viện Dã chiến số 1 thực hiện theo Quyết định số 3045/QĐ-UBND ngày 24/8/2021 của UBND tỉnh Lào Cai về việc thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1 trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

3. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3129/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 Quyết định thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lào Cai: Quyết định số 3129/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 gửi kèm theo.

4. UBND tỉnh ban hành Công văn số 4089/UBND-VX ngày 26/8/2021 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể như sau:

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh phía Nam. Thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 551-CV/TU ngày 25/8/2021 của Tỉnh ủy Lào Cai, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo như sau:

1. Thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lào Cai trong ngày 26/8/2021; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, cấp xã và thành lập Trung tâm Chỉ huy cấp huyện, cấp xã theo mô hình của cấp tỉnh xong trước ngày 28/8/2021. Nhằm bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả.

Các cơ quan, đơn vị khẩn trương thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ trưởng đơn vị làm Trưởng ban, có đầu mối tham mưu, tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch. Thành viên gồm đại diện công đoàn, đoàn thanh niên, một số tổ chức/cá nhân trực thuộc của đơn vị; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo theo hướng dẫn tại Công văn số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 của Bộ Y tế. Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức, người lao động hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo tinh thần “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”, không chờ đợi lựa chọn vắc xin.

2. Sở Y tế

- Chịu trách nhiệm đảm bảo công tác chuyên môn, giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe, hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung. Quản lý, vận hành Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị và lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Phương án đáp ứng với tình huống phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo phương án xong trước ngày 05/9/2021. Tham mưu cho BCĐ tỉnh điều chỉnh, bổ sung phương án số 322/PA-BCĐ ngày 12/8/2021 cho phù hợp với tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

- Rà soát, chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm COVID-19, bảo đảm đủ oxy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở tuyến tỉnh.

- Tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận với các nguồn vắc xin để đưa về địa phương tiêm cho người dân. Khi có vắc xin về phải tổ chức tiêm nhanh chóng, an toàn, hiệu quả tăng diện bao phủ để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho người dân.

3. Sở Công Thương

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân nhất là người già, trẻ em, nhóm người yếu thế… trong trường hợp phải giãn cách xã hội, chuyển phương án đến Sở Y tế trước ngày 01/9/2021 để tổng hợp, xây dựng phương án chung.

- Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, chỉ cho hoạt động ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Xây dựng kế hoạch chủ động gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thường xuyên, thực chất, toàn diện.

4. Sở Giao thông vận tải – Xây dựng

Đảm bảo vận tải, lưu thông hàng hóa, thông suốt mọi lúc, mọi nơi trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu...

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm tính thống nhất, kịp thời, chính xác. Phát huy vai trò của toàn bộ hệ thống truyền thông, nhất là mạng lưới thông tin cơ sở. Lan tỏa những mô hình tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả của các tổ chức và cá nhân trong phòng, chống dịch. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho năm học mới bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy và học sáng tạo, linh hoạt, sẵn sàng chuyển trạng thái để thích ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; tổ chức khai giảng năm học mới với quy mô và hình thức phù hợp; hạn chế tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập trung đông học sinh, sinh viên.

7. Sở Tài chính

Chủ trì tham mưu ưu tiên nguồn lực, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi chưa cần thiết, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, sử dụng tiết kiệm quỹ dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính để tập trung cho phòng, chống dịch. Bố trí kinh phí phòng, chống dịch; kinh phí chi trả chế độ chính sách cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chỉ đạo các đơn vị xử lý, vận chuyển chất thải rắn, rác thải tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kịp thời hàng ngày.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu phương án an táng người tử vong do mắc COVID-19, chuyển phương án đến Sở Y tế trước ngày 01/9/2021 để tổng hợp, xây dựng phương án chung.

9. Công an tỉnh

- Siết chặt các quy định, quy trình thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch y tế liên ngành trên địa bàn toàn tỉnh, kiểm soát chặt chẽ tất cả người và các phương tiện di chuyển qua chốt, đặc biệt là người từ vùng dịch trở về địa phương để đưa đi cách ly theo quy định. Tuyệt đối không để cán bộ, chiến sỹ, nhân viên làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch bị lây nhiễm dịch bệnh.

- Rà soát và kiểm soát chặt chẽ tất cả các đường mòn, lối mở, các ngõ tự phát giáp ranh với các tỉnh có thể vào được địa phận tỉnh Lào Cai đặc biệt là các tỉnh đang có ca bệnh lây lan trong cộng đồng.

- Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống dịch xảy ra; bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng.

10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Tiếp tục chủ trì việc tổ chức thực hiện cách ly tập trung trong phòng, chống dịch; Chủ động phương án, huy động lực lượng hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong trường hợp phải thực hiện giãn cách xã hội.

11. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm Covid-19; đảm bảo đủ ô xy y tế, hệ thống oxy trung tâm (hoàn thành trước ngày 30/8/2021), thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm và nhân lực y tế.

- Chỉ đạo khẩn trương thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế đã được giao dự toán.

- Tăng cường tuyên truyền, thông tin đến người dân theo tinh thần “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”; tuyệt đối không được có tư tưởng chờ đợi, lựa chọn vắc xin.

- Tăng cường chỉ đạo việc rà soát, lập kế hoạch, dự trù và tổ chức đấu thầu mua sắm sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị... cho phòng chống dịch COVID-19 theo phương trâm “4 tại chỗ”; không để thiếu kinh phí, nhân lực, vật tư, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị, chế độ cán bộ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn phụ trách và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh.

- Tiếp tục duy trì công tác rà soát, kiểm soát nắm bắt tình hình di biến động của người dân trên địa bàn, người đi lao động tại các địa phương khác ngoài tỉnh. Tăng cường tuyên truyền cho các gia đình vận động người thân đang sinh sống, học tập và làm việc tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yên tâm ở lại các địa phương để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ “ai ở đâu ở đó”.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trên.

6. Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 1935/SNN- CNTY ngày 26/8/2021 về việc đề nghị tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể như sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật

- Ưu tiên bố trí tiêm vắc xin COVID-19 cho lực lượng thú y cấp huyện, cấp xã, nhất là lực lượng thú y phải tham gia phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng các loại thức ăn chăn nuôi, thuốc, vắc xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

- Chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm ở động vật để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch.

- Khi có dịch bệnh động vật xảy ra, thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, đồng thời bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định và chỉ đạo của ngành Y tế; trong đó lưu ý, trường hợp cơ quan thú y không thể đến cơ sở, hộ chăn nuôi để chẩn đoán và lấy mẫu xét nghiệm bệnh động vật, có thể áp dụng công nghệ hình ảnh để kiểm tra triệu chứng lâm sàng điển hình của động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; hướng dẫn từ xa để thú y cơ sở hoặc chủ vật nuôi tự thực hiện việc lấy mẫu và gửi mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh; trường hợp không thể gửi mẫu xét nghiệm, căn cứ triệu chứng, bệnh tích điển hình để hướng dẫn, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật.

- Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.

- Tăng cường thực hiện triệt để biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật và tổ chức tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm kỳ II năm 2021 theo Văn bản số 1882/SNN-CNTY ngày 20/8/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống trực tuyến, truyền hình, phát thanh, điện thoại, mạng xã hội,... về tính chất, nguy cơ phát sinh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

2. Phòng, chống lây nhiễm vi rút SARS-Cov-2 lây truyền trên động vật

Đối với dịch bệnh COVID-19, đến nay đã có hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ phát hiện động vật nuôi (chó, mèo) và động vật hoang dã nhiễm vi rút SARS-Cov2 (có thể do nguồn lây từ người mắc bệnh COVID-19). Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-Cov2 ở động vật (nhất là đối với chó, mèo) hướng dẫn các hộ, cơ sở quản lý, nuôi nhốt chó, mèo thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để tiêu diệt các loại mầm bệnh, nhất là nguy cơ có vi rút SARS-Cov2 ở môi trường đang có dịch bệnh.

3. Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y

- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là tại một số địa phương đang có dịch bệnh và địa bàn có ổ dịch cũ; tiếp nhận thông tin xác định dịch bệnh thông qua video, hình ảnh và hướng dẫn biện pháp xử lý dịch bệnh.

- Trường hợp nghi ngờ động vật nhiễm vi rút SARS-Cov2, tổ chức lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của Cục Thú y (đã được Bộ Y tế chỉ định xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-Cov-2) để xét nghiệm.

- Chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất và dự trù kinh phí đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện báo cáo dịch bệnh động vật trên hệ thống trực tuyến VAHIS, Email, Hệ thống quản lý văn bản điều hành bảo đảm kịp thời, đầy đủ phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh và trong cả nước./.

 

THÔNG TIN CẦN BIẾT

1. Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19: http://covidmap.laocai.gov.vn/

2. Đường dây nóng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19:

- Sở Y tế tỉnh Lào Cai: 0969.841.414

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai: 0822.188.137

- Bộ Y tế: 1900.9095

3. Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về vận tải đường bộ

- Hướng dẫn giải đáp về an toàn giao thông, điều tiết, phân luồng giao thông: 0903.287.667.

- Hướng dẫn, giải đáp các nội dung liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ô tô: 0979.196.699.

- Phản ánh, khiếu nại và giải quyết về trật tự an toàn giao thông: 0912.386.515.

- Zalo hướng dẫn, giải quyết các vấn đề về cấp giấy nhận diện cho phương tiện hoạt động trên luồng xanh: 0888808875 (Luồng Xanh Lào Cai).

4. Đường dây nóng tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết khó khăn của người dân: 0363 111 558.

 

 

TIỂU BAN TRUYỀN THÔNG