Lào Cai trong hành trình thu hút FDI

Sau 30 năm tái lập tỉnh, Lào Cai đã trở thành điểm sáng của các tỉnh miền núi phía Bắc trong hành trình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

 

Những viên gạch đầu tiên

Lào Cai với  nhiều điểm mạnh trong thu hút FDI như: nằm ở vị trí đắc địa trên Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), Khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam với thị trường Tây Nam Trung Quốc, các nước ASEAN cũng như thế giới và ngược lại, đã và đang phát huy được tiềm năng, lợi thế; cùng với các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Năm 2021 là thời điểm tròn 30 năm kể từ khi tỉnh Lào Cai được tái lập (năm 1991), là thời điểm tròn 33 năm kể từ khi Luật đầu tư nước ngoài được Quốc hội thông qua năm 1987, đánh dấu mốc quan trọng để dòng vốn FDI bắt đầu đổ vào Lào Cai.

Một góc Khách sạn Victoria Sapa - dự án FDI đầu tiên tại Lào Cai.

 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, hoạt động FDI trên địa bàn tỉnh Lào Cai được khởi đầu vào năm 1996, nhưng trên thực tế đến cuối năm 1999, dự án FDI đầu tiên mới đi vào hoạt động. Giai đoạn 1996 - 2021, Lào Cai thu hút gần 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 680 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội và triển khai thực hiện các dự án FDI chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ: Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Đan Mạch, Na Uy … và một số quốc gia khác.

Để có góc nhìn sâu hơn về hoạt động thu hút FDI trên địa bàn tỉnh, chia các giai đoạn theo sự điều chỉnh của Luật đầu tư cho thấy: Vốn FDI vào Lào Cai được khởi đầu vào năm 1996 với dự án xây dựng khách sạn Victoria Sapa của tập đoàn xuyên quốc gia chuyên kinh doanh khách sạn với thương hiệu Victoria. Tiếp theo, năm 1999, đã thu hút được các dự án đầu tư với quy mô nhỏ của các nhà đầu tư Trung Quốc đến từ khu vực Hồng Kông, Thượng Hải, Tứ Xuyên và Vân Nam tập trung vào các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, thương mại, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản và lắp ráp công nghiệp giản đơn... song đã để lại những “khởi đầu nan” tốt đẹp cho giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 1996-2005 (trước khi Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực), Lào Cai thu hút được 32 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 48,8 triệu USD, tính bình quân vốn đầu tư đạt 1,5 triệu USD/dự án. Các dự án của Nhà đầu tư Pháp; 01 dự án của Nhà đầu tư Singapore; 01 dự án đầu tư của Nhà đầu tư Hà Lan; 28 dự án của Nhà đầu tư Trung Quốc.

Kể từ khi Luật đầu tư năm 2005, tiếp theo là Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực, giai đoạn 2006 đến nay (2021), Lào Cai thu hút được 34 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 634  triệu USD, bình quân mỗi dự án đạt 18,64 triệu USD. Trong đó, có 03 dự án đầu tư của Singapore; 21 dự án của Nhà đầu tư Trung Quốc; 03 dự án của Nhà đầu tư Hàn Quốc; 02 dự án của Nhà đầu tư Thái Lan; 05 dự án của nhà đầu tư đến từ quốc gia khác.

Tính đến thời điểm hiện nay, sau quá trình điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo nhu cầu của doanh nghiệp, hiện Lào Cai có 23 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 571,45 triệu USD; các dự án FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ, các dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, quy mô nhỏ; các dự án FDI tập trung chủ yếu tại các Khu công nghiệp, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn là các địa phương có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch.

Nhìn chung, so với cả nước kết quả thu hút FDI của Lào Cai chưa lớn, song so với các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và so với điều kiện xuất phát điểm thấp của tỉnh Lào Cai tại thời điểm tái lập tỉnh, kết quả thu hút FDI của Lào Cai sau 30 năm tái lập có thể đánh giá là đã đạt được những thành công nhất định, trở thành điểm sáng trong thu hút FDI của các tỉnh miền núi phía Bắc. Tiến độ triển khai và chất lượng thực hiện dự án FDI trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt được nhiều kết quả khả quan, vốn đầu tư giải ngân tăng mạnh qua các năm. Đến hết 6 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư giải ngân của các dự án FDI trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 490,78 triệu USD bằng 85,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Về hiệu quả kinh tế cho thấy, tổng doanh thu từ các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh  giai đoạn 1996 - 2020 đạt gần 44.800 tỷ đồng, các doanh nghiệp FDI đóng góp cho ngân sách nhà nước đạt khoảng 5.455 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu  đạt gần 440 triệu USD.

Về mặt xã hội, đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại.  Đến năm 2020, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn đã thu hút hơn 3.000 lao động, thu nhập bình quân đạt từ 6 - 8 triệu đồng/lao động/tháng, cao gấp 2 lần so với năm 2010, gấp gần 3 lần so với năm 2006.

Giữ vững lợi thế, tận dụng cơ hội

Thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội cho phát triển là khâu đột phá được Đảng bộ tỉnh Lào Cai đặt ra trong suốt nhiều nhiệm kỳ kể từ khi tái lập tỉnh đến nay. Từ chủ trương này, Lào Cai đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho nền kinh tế địa phương.

Theo đồng chí Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh: Lào Cai sẽ tiếp tục đón nhận các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư chuyển dịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chuẩn bị  về cơ sở hạ tầng đối với những lĩnh vực chế biến sâu và gia công lắp ráp, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, trong thời gian tới, Lào Cai cũng sẽ đón các nhà đầu tư sản xuất phụ trợ công nghiệp, nhà đầu tư về dệt may.

Với những thuận lợi kể trên, dù thời gian qua đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước nhưng những kết quả trong thu hút FDI của Lào Cai trong những thời gian qua rất đáng ghi nhận. Chỉ tính riêng trong 6 tháng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng dòng vốn FDI đăng ký mới vẫn đổ vào Lào Cai. Cụ thể vốn đăng ký mới đạt 17,03 triệu USD với 02 Dự án: Trung tâm Thương mại GO!Lào Cai tại thành phố Lào Cai (chủ sở hữu là Nhà đầu tư Thái Lan: Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Nhật) và Dự án Siêu thị Go! Lào Cai (Chủ sở hữu là Nhà đầu tư Thái Lan Công ty Cổ phần EB Hải Phòng).

Tuy nhiên những thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động của dịch bệnh đặt ra đối với Lào Cai cũng không hề nhỏ, khi cuộc cạnh tranh để thu hút FDI trong khu vực ngày càng gay gắt. Do đó tỉnh Lào Cai xác định tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch bệnh COVID-19. Để đón đầu nguồn vốn dịch chuyển FDI, xây dựng Lào Cai thành trung tâm giao thương lớn của đất nước, tỉnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ vào chính quyền số nhằm rút ngắn thời gian thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân; chú trọng phát triển hạ tầng giao thông và sân bay để kết nối liên vùng và quốc tế, tạo sự đột phá mạnh mẽ cho kinh tế địa phương.

Lào Cai tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác; khai thác thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn dịch chuyển. Chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào địa phương, nhất là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: EU, Nhật Bản.

Đồng thời, Lào Cai xác định du lịch tiếp tục là mũi nhọn trong phát triển kinh tế để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Khu du lịch Quốc gia Sa Pa sẽ được mở rộng lên đến 68.000 ha, kết nối với Y Tý, Bắc Hà. Đây là nền tảng căn bản để tới năm 2025, du lịch Lào Cai sẽ đón trên 10 triệu lượt du khách.

Ngoài ra, trong hoạt động thu hút FDI vào địa bàn tỉnh không chỉ coi trọng cả số lượng và chất lượng mà cần coi trọng vào công nghệ cao, chính sách nâng cấp FDI, khuyến khích các nhà đầu tư vừa và nhỏ, cần khai thác thế mạnh của các tập đoàn kinh tế trong nước và nước ngoài... Giữ vững lợi thế, tận dụng cơ hội; trong tương lai chắc chắn hoạt động thu hút FDI vào Lào Cai chắc chắn sẽ có những bước bứt phá ngoạn mục./.

Hồng Minh

Tin Liên Quan

Triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch năm 2024

Ngày 12/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2024.

Ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp

Chiều 9/3, tại thành phố Lào Cai, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố Hải Phòng về một số nội dung hợp tác thuộc phạm vi quản lý trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn hai địa phương.

Xuất - nhập khẩu: Chờ đợi sự khởi sắc

Năm 2024, Lào Cai phấn đấu giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 264% so với năm 2023. Không phải ngẫu nhiên đặt ra mục tiêu như vậy, bởi thực tế đang có nhiều cơ hội và sự khởi sắc đối với hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Lào Cai: Tạo sức bật trong thu hút đầu tư

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”, nắm chắc những lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế vùng biên, tỉnh Lào Cai đã và đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, huy...

Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc)

Chiều 12/12, bên lề hội nghị triển khai triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường thông báo một tin vui khi Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc chính thức ký Nghị...

Trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Với vị trí “cửa ngõ” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung phát huy lợi thế riêng có để phấn đấu trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.