Bảo Thắng: Tạo động lực phát triển kinh tế từ các sản phẩm OCOP
Bảo Thắng là huyện có lợi thế về phát triển sản phẩm OCOP với nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc biệt huyện vốn là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Lào Cai.Trong quá trình thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Bảo Thắng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong xúc tiến quảng bá, tư vấn, định hướng giúp người dân mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương. Bước đầu đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, góp phần tác động tích cực vào kết quả xây dựng NTM của huyện.
Sau 2 năm thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của huyện Bảo Thắng đã khẳng định được lợi thế trên thị trường. Đến nay, toàn huyện có 24 sản phẩm nông nghiệp của 14 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó, 3 sản phẩm đạt 2 sao, 21 sản phẩm đạt 3 sao. Tiêu biểu như các sản phẩm: Quế Ống Sáo Tâm Hợi, trứng gà sạch Kim Thành, ớt xào núi Mường, tương ớt Bản Mường, bưởi Múc – Thái Niên, dưa lưới - Gia Phú,… Ngoài ra, Bảo Thắng còn có 29 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia OCOP từ nay đến năm 2025.
Bưởi Múc (Thái Niên) được đánh giá đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh
Hiện Bảo Thắng đang là huyện dẫn đầu của tỉnh Lào Cai về xây dựng sản phẩm OCOP với 21/77 sản phẩm OCOP toàn tỉnh. Từ phát triển sản phẩm OCOP đã nâng cao chất lượng sản phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu uy tín trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn, tạo công ăn, việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, tạo động lực giúp Bảo Thắng thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng NTM.
Không dừng lại ở các sản phẩm đã có thương hiệu, tới đây huyện sẽ tập trung tư vấn, hỗ trợ các chủ thể có các sản phẩm hoặc ý tưởng về sản phẩm, hoàn thiện phương án, kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP, phát triển mẫu bao bì sản phẩm bắt mắt người tiêu dùng. Đồng thời, thực hiện tốt công tác giới thiệu các sản phẩm nông lâm, thủy sản, từ đó đưa các sản phẩm đến các thị trường tiềm năng đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường trong tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Bảo Thắng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có từ 50 sản phẩm trở lên đạt OCOP cấp tỉnh; phát triển mới, củng cố 15 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Để đạt được mục tiêu đó, địa phương này đang tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu...tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn.
Có thể nói, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP đã thổi luồng gió mới cho kinh tế khu vực nông thân huyện Bảo Thắng. Nhờ có OCOP mà nhiều mặt hàng, sản phẩm nông sản từ làng xã đã bước ra thị trường với chất lượng đạt chuẩn, giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn. Nổi bật là thu nhập bình quân đầu người năm 2020 khu vực nông thôn đạt trên 42,19 triệu đồng/người/năm, tăng 30,9 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,03%.
Để khẳng định thương hiệu và đưa thương hiệu sản phẩm của địa phương vươn rộng ra thị trường, huyện Bảo Thắng đang tích cực triển khai thực hiện các tiêu chí về nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tạo dựng uy tín trên thị trường. Đồng thời, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng tốt, đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu…