Lào Cai: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch
Phát triển du lịch gắn với Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là bước đi đúng đắn cần được nhân rộng để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc tại Lào Cai.Chương trình OCOP đang được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công chương xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai đã có 92 sản phẩm đạt sao OCOP được công nhận trên cơ sở của hàng nghìn ý tưởng trong 3 năm qua, đưa Lào Cai trở thành địa phương có nhiều sản phẩm đạt sao nhất khu vực miền núi phía Bắc. Từ sản phẩm tiêu biểu trở thành sản phẩm OCOP là quá trình nâng cao về chất lượng, giá trị hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ và mở rộng liên kết.
Vườn đá Tả Phìn được xếp hạng 4 sao OCOP năm 2019.
Tuy nhiên trong 92 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chỉ có 1 sản phẩm trong lĩnh vực du lịch đạt OCOP đó là "Khu du lịch sinh thái vườn đá Tả Phìn" của hợp tác xã Tả Phìn Xanh được xếp hạng 4 sao OCOP năm 2019 (đây là sản phẩm dịch vụ du lịch thứ 2 trên toàn quốc được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP). Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn đã gắn kết chặt chẽ các sản phẩm dịch vụ du lịch với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã mang lại nhiều lợi ích cho hợp tác xã Tả Phìn trong việc đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP, chính điều này tạo sự tin tưởng cho du khách khi sử dụng dịch vụ và các sản phẩm có rõ nguồn gốc xuất xứ. Tiêu chuẩn OCOP giúp nâng cao giá trị của điểm đến, giúp sản phẩm phát triển bền vững hơn và trở thành địa chỉ tin cậy cho khách du lịch.
Tại tỉnh Lào Cai, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đã có trên 20 năm, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 01 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Lý giải về điều này do nguyên nhân như sau: Khi bắt đầu triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn thị xã Sa Pa có 40 cơ sở du lịch cộng đồng đăng ký tham gia. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá và xét các tiêu chí thì hầu hết không đạt hoặc không phù hợp. Khó khăn lớn nhất là các cơ sở du lịch cộng đồng chưa thấy được lợi ích khi tham gia OCOP nên chưa quan tâm đầu tư xây dựng sản phẩm. Mặt khác, trước đây các cơ sở kinh doanh du lịch thường xếp hạng sao theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên không mặn mà với xếp hạng sao OCOP. Trong khi đó các tiêu chí đánh giá của OCOP trong lĩnh vực du lịch còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn trong đánh giá, xếp loại, xây dựng các tiêu chí. Vì vậy, Lào Cai đã tham mưu cho các cấp, các ngành điều chỉnh các tiêu chí để xây dựng sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch với mong muốn hướng đến sự chủ động của các cơ sở du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Phát triển sản phẩm du lịch góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Những khó khăn trong xây dựng sản phẩm du lịch đạt OCOP cấp tỉnh của Lào Cai cũng là khó khăn chung của các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, không vì vậy mà cản trở việc xây dựng các sản phẩm du lịch đạt OCOP cấp tỉnh, bởi Lào Cai đang có nhiều cơ hội khi du lịch của tỉnh đạt được những tiêu chí của du lịch quốc gia, đứng đầu khu vực Tây Bắc và trong tốp 10 điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó, du lịch cộng đồng là sản phẩm đặc trưng, có nhiều lợi thể để phát triển thành sản phẩm OCOP vì đã được nhiều tổ chức tư vấn, giúp đỡ xây dựng thành sản phẩm đạt chuẩn ASEAN.
Để khai thác được tiềm năng của các điểm du lịch cộng đồng theo hướng đạt chuẩn của OCOP, trong giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai hướng đến mục tiêu phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục triển khai có hiệu quả và đồng bộ chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở. Mặt khác, đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tích cực tham gia chương trình OCOP gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết nối xây dựng các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp, y tế gắn với phát triển du lịch, phục vụ khách du lịch; Trọng tâm tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh một cách rộng rãi, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP đến với thị trường; định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, tiềm năng của từng địa phương đáp ứng tiêu chuẩn Chương trình OCOP.