130 quốc gia của OECD đã nhất trí về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu. |
Trong thông cáo được đưa ra sau Hội nghị, OECD cho biết: “Quy định áp thuế mới nâng cấp các điều khoản áp thuế đã kéo dài hàng thế kỷ, không còn phù hợp với mục đích của nền kinh tế toàn cầu và số hóa trong thế kỷ 21”.
Theo OECD, việc điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu sẽ giúp các chính phủ trên toàn cầu tăng thu ngân sách thêm tới 150 tỷ USD mỗi năm.
Thỏa thuận này được cho là sẽ chấm dứt “cuộc đua giảm thuế” doanh nghiệp giữa các nước, với một trụ cột là mức thuế doanh nghiệp tối thiểu thực tế được áp dụng cho các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro. Theo thỏa thuận này, các quốc gia nơi công ty đặt trụ sở chính thu thuế doanh nghiệp ít nhất 15% trên lợi nhuận của các công ty này trên toàn thế giới.
Trụ cột thứ hai là cho phép các quốc gia mà doanh nghiệp không đặt trụ sở vẫn được đánh thuế trên một phần lợi nhuận của doanh nghiệp, áp dụng với các doanh nghiệp đa quốc gia có lợi nhuận lớn nhất thế giới như Google, Facebook hay Apple...
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz coi đây là một thỏa thuận “lịch sử” sẽ giúp chấm dứt cuộc cạnh tranh tài chính giữa các nước. Theo ông Scholz, thỏa thuận này là tin xấu với các “thiên đường thuế” trên thế giới. Trong tương lai, các tập đoàn lớn sẽ phải chia sẻ nguồn tài chính một cách công bằng hơn vì lợi ích chung.
Sự đồng thuận của OECD mở đường cho nhóm Các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G20) thông qua thỏa thuận này tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 dự kiến được tổ chức tại Venice, Italy ngày 9-10/7 tới đây.
Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Italy Daniele Franco tự tin rằng G20 sẽ thông qua thỏa thuận này. Theo ông, không một quốc gia nào muốn cản trở một thỏa thuận mang tính toàn cầu như vậy. Thực tế, tất cả các nước G20 trong OECD đều đã chấp thuận cải cách quan trọng này.
Tuy nhiên, nếu thỏa thuận này được G20 thông qua, nhiều bước tiếp theo còn cần phải tiếp tục thực hiện, trong đó mục tiêu đặt ra là thuyết phục các quốc gia còn lại chưa chấp nhận tiến trình cải cách nhanh chóng tham gia vào tiến trình này, để việc cải cách được thống nhất trên phạm vi toàn cầu.
Trước đó, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Anh cũng đã thông qua đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% với mục đích giải quyết tình trạng trốn thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị, G7 cho biết: "Với thỏa thuận này, chúng tôi đã có một bước đi quan trọng hướng tới một hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ XXI, chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp kéo dài suốt 40 năm qua".
Tuyên bố nhấn mạnh sự hợp tác này sẽ "tạo ra một sân chơi vững chắc hơn", giúp tăng thu thuế để hỗ trợ đầu tư và chấm dứt tình trạng trốn thuế, nhất là của các công ty đa quốc gia có doanh thu cao như các "đại gia" công nghệ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Thỏa thuận trên sẽ giúp chấm dứt cuộc chạy đua xuống đáy trong việc đánh thuế doanh nghiệp đang diễn ra tại các nước muốn bảo vệ đầu tư của tập đoàn bất chấp các ưu tiên như bảo vệ người lao động hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, một mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đảm bảo kinh tế thế giới phát triển dựa trên một sân chơi công bằng hơn. Bà lập luận rằng, thuế suất tối thiểu cho doanh nghiệp toàn cầu sẽ giúp giải quyết tình trạng các công ty chuyển trụ sở sang các quốc gia khác nhằm giảm gánh nặng thuế. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đây là một “cam kết quan trọng và chưa từng có”.
Về phía Pháp, Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Bruno Le Maire nói: “Tôi hoan nghênh bước tiến lớn này. Đây là thỏa thuận thuế quốc tế quan trọng nhất đạt được trong một thế kỷ”.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, người hiện đang giữ chức Chủ tịch G7 cho biết thỏa thuận được thông qua tại OECD “đánh dấu một bước tiến xa trong sứ mệnh cải cách thuế toàn cầu”./.