12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Nghị quyết nêu rõ, nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 Mục II Nghị quyết này) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Đồng thời phải phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.
Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động được hỗ trợ 12 nội dung sau:
. Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất;
. Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động;
. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương;
. Hỗ trợ người lao động ngừng việc;
. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng;
. Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em;
. Hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị, cách ly y tế;
. Hỗ trợ một lần với một số trường hợp làm nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch;
. Hỗ trợ hộ kinh doanh;
. Cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất;
. Hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.
Việc hỗ trợ ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện.
Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 60% mức thực chi đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 40% mức thực chi đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.