Châu Á: Các nước tăng tốc chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có

Gần 3/4 số mũi tiêm chủng hằng ngày trên thế giới đang được thực hiện ở châu Á, tăng gấp đôi so với chỉ vài tuần trước.
 
Ảnh minh họa

Xét về độ bao phủ vaccine, châu Á vẫn còn thua kém thế giới. Đến nay, mới có khoảng 1/5 người dân châu Á đã tiêm một liều vaccine, so với 37% ở châu Âu và 40% ở Bắc Mỹ, theo số liệu gần đây nhất của Our World in Data. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng của châu Á đang có dấu hiệu cải thiện. Gần 3/4 số mũi tiêm chủng hằng ngày trên thế giới đang được thực hiện ở châu Á, tăng gấp đôi so với chỉ vài tuần trước.

Ủy ban Y tế Trung Quốc ngày 20/6 thông báo số lượng vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng tiêm chủng tại Trung Quốc đại lục đã vượt con số 1 tỷ mũi, tương ứng hơn 1/3 tổng số vaccine ngừa COVID-9 đã được tiêm trên toàn thế giới. Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đại lục đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử Trung Hoa hiện đại. 

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Y tế Trung Quốc không nêu cụ thể tỷ lệ dân số Trung Quốc đã tiêm chủng vaccine. Giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu đến cuối tháng 6 này tiêm chủng đầy đủ cho 40% trong tổng số gần 1,4 tỷ dân của nước.

Từ cuối tháng 3, Trung Quốc đã tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên cả nước. Hiện, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của nước này đã mở rộng cho nhóm đối tượng trên 18 tuổi.

Để khuyến khích người dân đi tiêm chủng, chính quyền một số tỉnh thực hiện chính sách tiêm miễn phí. Người dân tỉnh An Huy còn được tặng trứng khi tiêm chủng, trong khi nhiều người dân sống tại thủ đô Bắc Kinh nhận được phiếu mua hàng.

Ấn Độ đã tiêm 8,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong ngày 21/6, mức cao nhất từ trước đến nay trong một ngày kể từ khi nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng từ giữa tháng 1/2021.

Nguồn tin Bộ Y tế Ấn Độ cho hay mức tăng đột biến này diễn ra trong ngày đầu tiên Ấn Độ triển khai giai đoạn phổ cập mới vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu từ ngày 21/6. Theo đó, chính phủ sẽ mua 75% vaccine từ các nhà sản xuất và phân phối cho các bang để tiêm miễn phí cho toàn bộ người trưởng thành. Trước đó, Chính phủ Ấn Độ chỉ cung cấp vaccine miễn phí cho người từ 45 tuổi trở lên và các nhân viên tuyến đầu.

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh: “Vaccine vẫn là vũ khí mạnh nhất của chúng ta để chống COVID-19”. Đến nay, 17,1% dân số trong gần 1,4 tỷ dân của Ấn Độ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 và 3,7% dân số được tiêm đủ liều. Hiện số ca mắc COVID-19 mới tại Ấn Độ đang giảm mạnh, với việc ngày 21/6 chỉ ghi nhận 53.256 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong gần 3 tháng.

Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu tăng số lượng người tiêm vaccine ngừa COVID-19 mỗi ngày lên 400.000 người vào tháng 8 để có thể đạt 80% mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào tháng 9 tới. 

Bộ trưởng Khoa học, công nghệ và sáng tạo Malaysia kiêm Bộ trưởng Điều phối chương trình tiêm chủng quốc gia phòng COVID-19 Khairy Jamaluddin cho biết, hiện cứ 100 người tiêm vaccine phòng COVID-19 thì có 30 người đã tiêm mũi thứ 2. Dự kiến vào trung tuần tháng 7 tới, số người hoàn thành cả 2 mũi tiêm sẽ chiếm khoảng 10% dân số.

Theo Bộ Y tế Malaysia, tính đến hết ngày 20/6, Malaysia có 5.815.575 người tiêm phòng COVID-19, trong đó có 4.202.601 người tiêm một mũi, chiếm 12,9% dân số và có 1.612.974 người đã hoàn thành tiêm 2 mũi. Ngày 17/6 vừa qua, Malaysia ghi nhận kỷ lục về số người tiêm vaccine phòng COVID-19 với 221.706 người được tiêm, trong đó có 43.830 người tiêm mũi 2.

Kuala Lumpur là địa phương thứ hai tại Malaysia, sau Putrajaya, đạt tỷ lệ 100% dân số đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hai thành phố này dự kiến đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng trước tháng 8/2021.

Học viện Hoàng gia Chulabhorn của Thái Lan ngày 20/6 cho biết lô vaccine của Sinopharm ngừa COVID-19 đầu tiên gồm 1 triệu liều đã đến sân bay Suvarnabhumi từ Bắc Kinh. Học viện Hoàng gia Chulabhorn cho biết 1 triệu liều vaccine của Sinopharm này sẽ được gửi tới Cục Y khoa để kiểm tra chất lượng. Vaccine của Sinopharm sẽ được phân phối cho các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 ngày 23-24/6 và việc tiêm chủng sẽ bắt đầu vào 25/6.

Hiện Chính phủ Thái Lan đã mua hoặc đăng ký mua 105,5 triệu liều vaccine, trong đó có 61 triệu liều AstraZeneca, 19,5 triệu liều Sinovac, 20 triệu liều của Pfizer-BioNTech và 5 triệu liều của Johnson & Johnson. Thái Lan cũng sẽ đặt hàng thêm 28 triệu liều vaccine từ Sinovac và 22 triệu liều từ các nhà sản xuất khác. Việc Thái Lan tăng cường nhập khẩu vaccine nhằm đối phó với tình trạng lây lan của những biến thể SARS-CoV-2 và nhu cầu tiêm liều vaccine tăng cường thứ ba.

Tại Hàn Quốc, nhiều công ty và tổ chức khác nhau, từ khách sạn, rạp chiếu phim đến chính quyền địa phương đang giảm giá và có nhiều chương trình khuyến mại dành cho những người đã tiêm chủng phòng COVID-19 để khuyến khích nhiều người đi tiêm hơn nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trên toàn Hàn Quốc.

KDCA cho biết kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào ngày 26/2, tính đến ngày 18/6, đã có hơn 14,23 triệu người dân Hàn Quốc đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine phòng COVID-19, chiếm khoảng 27,7% trong số 51,3 triệu dân số nước này. Với kết quả này, Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu sớm hơn dự kiến so với kế hoạch tiêm chủng đầy tham vọng đã đề ra đó là tới cuối tháng 6, 1/4 dân số sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19. Hàn Quốc hiện đang trên đà triển khai tiêm vaccine cho 70% dân số vào tháng 9, mục tiêu được chính phủ đặt ra vào đầu năm nay.

Nhật Bản là nước triển khai tiêm vaccine COVID-19 chậm nhất trong nhóm G7, mặc dù đã bảo đảm 364 triệu liều vaccine - gần gấp 3 lần số mũi tiêm cần thiết cho dân số nước này. Nguyên nhân là bởi Nhật Bản yêu cầu thêm các thử nghiệm lâm sàng trên người dân, làm chậm quá trình phê duyệt vaccine. Tuy nhiên, Nhật Bản đang tăng tốc. Do thiếu nhân viên y tế, các y tá và nha sĩ về hưu sẽ được huy động cho chiến dịch tiêm vaccine trước Olympic mùa Hè, dự kiến ​​diễn ra vào tháng 7 tới. Các điểm tiêm chủng đại trà đang được thiết lập tại nơi làm việc và khuôn viên trường đại học nước này.

Ngày 21/6, Bộ Y tế Lào thông báo nước này vừa bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm (Trung Quốc) cho những công dân trên 60 tuổi và những người mắc bệnh nền. 

Tuần trước, phía Trung Quốc đã bàn giao thêm một lô vaccine ngừa COVID-19 tặng cho Lào. Quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm vaccine Sinopharm cho lực lượng biên phòng, nhân viên y tế và một số người thuộc nhóm nguy cơ cao. Hơn 700.000 người tại Lào đã được tiêm một mũi vaccine trong khi hơn 400.000 người đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Bộ Y tế Lào có kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 50% trong tổng số 7,2 triệu dân nước này vào cuối năm nay.

Nhằm giúp người dân vượt qua nỗi lo ngại hay tâm lý kén chọn vaccine ngừa COVID-19, Philippines đang áp dụng nhiều sáng kiến, trong đó có treo thưởng những món quà thiết thực. Sucat, một khu vực ở ngoại ô thủ đô Manila đã đưa ra ý tưởng tặng các bao tải gạo lớn nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng. Giới chức Sucat cho biết kể từ khi sáng kiến tặng gạo để khuyến khích tiêm chủng được triển khai vào cuối tháng 5 vừa qua, số liều vaccine được sử dụng hàng ngày đã lên tới 2.000 liều, trong khi trước đó họ chỉ tiêm được khoảng 400 liều/ngày.

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng kêu gọi người dân đi tiêm phòng, sau khi dữ liệu cho thấy nước này đã tụt lại phía sau trong chiến dịch tiêm chủng. Trong bối cảnh Philippines đang vật lộn với một trong những đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại châu Á với hơn 1,3 triệu ca mắc và hơn 23.000 ca tử vong, Tổng thống Duterte ngày 21/6 đã cảnh báo phạt tù những người từ chối tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tính đến ngày 20/6, Philippines đã tiêm đủ liều vaccine cho 2,1 triệu người dân, quá ít so với mục tiêu của chính phủ là tiêm chủng cho 70 triệu trong tổng số 110 triệu dân trong năm nay. Philippines đã đặt mua 113 triệu liều vaccine từ 5 nhà sản xuất.

Theo ước tính của Goldman Sachs, tính đến cuối tháng 6 này, khoảng 25% dân số thế giới sẽ được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, tăng so với dự đoán 17% trước đó. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 50% vào tháng 11 tới, cũng theo Goldman Sachs.

https://baochinhphu.vn/Quocte/Chau-A-Cac-nuoc-tang-toc-chien-dich-tiem-chung-lon-chua-tung-co/435509.vgp

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.