Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn thích ứng với đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là dịch vụ, du lịch. Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn (thị xã Sa Pa) cũng không ngoại lệ.Một số điểm du lịch tại xã Tả Phìn được tu sửa.
Dịch Covid-19 đã khiến hợp tác xã không thể đón khách du lịch, nhiều hội viên thiếu nguồn tài chính để xoay vòng vốn kinh doanh. Nhằm khắc phục khó khăn, các hội viên đã chuyển hướng kinh doanh du lịch sang sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nông sản an toàn cho gia đình. Các hội viên cùng nhau xây dựng mô hình vườn sinh thái nhằm cải tạo cảnh quan homestay, vệ sinh môi trường, sẵn sàng đón khách trở lại khi dịch được khống chế.
Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn được thành lập tháng 9/2019, hiện có 40 hội viên và đa phần kinh doanh homestay, hướng dẫn khách du lịch, kinh doanh tắm lá thuốc. Hợp tác xã giống như ngôi nhà chung, gắn kết các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển dịch vụ, du lịch. Thành lập được một thời gian thì dịch Covid-19 bùng phát, các hội viên đã cùng nhau tìm hướng đi mới để thích ứng với dịch bệnh. Hiện hơn 50% hội viên chuyển sang sản xuất nông nghiệp, một số hội viên đã được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Dự án GREAT.
Năm 2018, anh Lý Láo Tả (thôn Sả Séng) bắt đầu mở homestay kết hợp đón và hướng dẫn khách du lịch tham quan Sa Pa. Từ khi bén duyên với du lịch, mỗi tuần anh nhận 4 - 5 đoàn khách và homestay với sức chứa 15 lượt khách/ngày luôn đông khách nghỉ. Nhờ đó, gia đình anh có nguồn thu ổn định với công việc chính từ du lịch. Tuy nhiên, năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, homestay gần như không có khách. Không đầu hàng trước khó khăn, anh đã chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp. Được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (Dự án GREAT), anh đầu tư trồng 40 gốc su su, 25 gốc chanh leo. Đến nay, su su bắt đầu cho thu hoạch quả, chanh cũng phát triển tốt và bắt đầu đậu hoa. Bên cạnh đó, anh nuôi thêm hơn 200 con gà và chăm sóc vườn lan của gia đình. Anh đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm thuốc tắm người Dao trên mạng xã hội, từ đó một số khách hàng vẫn đều đặn đặt hàng.
Anh Lý Láo Tả tâm sự: Đại dịch gây ra rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những người làm du lịch. Chưa biết khi nào dịch sẽ qua đi và du lịch sẽ khởi sắc trở lại nên thay vì ngồi chờ đợi, tôi đã chuyển hướng công việc để có thu nhập, đồng thời tự tạo công việc cho bản thân và gia đình.
Chị Lý San Mẩy (Đội 2, thôn Tả Chải) đã kinh doanh du lịch gần 4 năm. Chị mở homestay, xây phòng tắm lá thuốc của người Dao và hướng dẫn du khách tham quan các điểm du lịch trên địa bàn. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tất cả hoạt động tạm dừng, thay vì ngồi đợi dịch đi qua, chị đã cải tạo vườn, trồng các loại rau ngắn ngày phục vụ nhu cầu của gia đình và đem ra chợ bán. Chị cũng nuôi thử nghiệm giống gà thảo dược, nuôi lợn giống để cải thiện nguồn thu.
Đến nay, từ nguồn vốn của dự án, hợp tác xã đã hỗ trợ 13 hộ vay vốn, mỗi hộ vay từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Số tiền trên sau một thời gian sẽ được xoay vòng để các hội viên khác cũng được tiếp cận nguồn vốn. Vốn vay được hội viên đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, chỉnh trang, tu sửa homestay.
Chị Lý San Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn cho biết: Mùa hè cũng là mùa của du lịch nhưng thực tế du lịch Sa Pa lại đang “ngủ đông”. Chúng tôi cùng nhau biến khó khăn thành cơ hội, song song thực hiện 2 nhiệm vụ là gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ ở Tả Phìn, đồng thời tìm hướng đi mới để có thu nhập, chờ khi dịch Covid-19 qua đi.
Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn được thành lập tháng 9/2019, hiện có 40 hội viên và đa phần kinh doanh homestay, hướng dẫn khách du lịch, kinh doanh tắm lá thuốc. Hợp tác xã giống như ngôi nhà chung, gắn kết các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển dịch vụ, du lịch. Thành lập được một thời gian thì dịch Covid-19 bùng phát, các hội viên đã cùng nhau tìm hướng đi mới để thích ứng với dịch bệnh. Hiện hơn 50% hội viên chuyển sang sản xuất nông nghiệp, một số hội viên đã được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Dự án GREAT. |