Việt Nam kêu gọi các bên tại Mali kiềm chế, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại, tham vấn
Ngày 14/6, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) họp về tình hình Mali. Ông El-Ghassim Wane, Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Mali và bà Fatima Maiga, đại diện một tổ chức chính trị xã hội Mali đã tham gia và báo cáo cập nhật tình hình tại cuộc họp.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp về tình hình Mali. |
Đại diện của Tổng Thư ký LHQ thông tin, Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng kinh tế Tây Phi và Sahel (ECOWAS) đã đình chỉ tư cách thành viên của Mali và đánh giá tình hình an ninh tại Mali vẫn phức tạp, tấn công khủng bố, xung đột cộng đồng gia tăng, đặc biệt tại miền Trung và miền Bắc.
Phái bộ LHQ nhằm ổn định tình hình Mali (MINUSMA) tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của mình tại Mali và hỗ trợ hậu cần cho Lực lượng chung G5 Sahel trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức cũng như khó khăn về nguồn lực.
Ông Wane kêu gọi HĐBA tiếp tục ủng hộ Mali thực hiện chuyển tiếp thành công để vượt qua khủng hoảng.
Các thành viên HĐBA lên án đảo chính, việc bắt giữ lãnh đạo chính phủ cũ của Mali và kêu gọi chính phủ chuyển tiếp mới bảo đảm thực hiện chuyển tiếp, trong đó có tổ chức bầu cử đúng hạn, bao trùm, công bằng và tự do. Các nước lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và binh lính gìn giữ hòa bình ở Phái bộ MINUSMA.
Các ý kiến đều ủng hộ vai trò của AU, ECOWAS trong theo dõi chuyển tiếp ở Mali cũng như đánh giá cao nỗ lực của LHQ trong hỗ trợ Mali thực hiện chuyển tiếp, duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ bày tỏ quan ngại đối với những diễn biến gần đây tại Mali và cho rằng cuộc đảo chính gây ra những nguy cơ đối với tiến trình chuyển tiếp, làm bất ổn tình hình cũng như gây khó khăn hơn cho việc thực hiện Hiệp định hòa bình 2015.
Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên tăng cường nỗ lực hòa hợp dân tộc, kiềm chế và giải quyết khác biệt thông qua đối thoại, tham vấn.
Đại diện Việt Nam ủng hộ nỗ lực của các tổ chức khu vực, đặc biệt là ECOWAS, AU trong hỗ trợ thực hiện chuyển tiếp tại Mali cũng như hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực của MINUSMA trong trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.
Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ người dân Mali, trong đó bao gồm việc giải quyết các thách thức nhân đạo.