Lạm dụng sức lao động trẻ em hiện đang là vấn nạn gây nhức nhối trên khắp toàn cầu. |
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu, tăng thêm 8,4 triệu trẻ em trong vòng 4 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19. Báo cáo cũng lường trước kịch bản sẽ có thêm 9 triệu trẻ em trở thành lao động trẻ em do hậu quả của dịch COVID-19 vào cuối năm 2022.
Báo cáo Lao động trẻ em “Ước tính toàn cầu 2020, xu hướng và con đường phía trước”, được công bố nhân Ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em năm nay cũng cảnh báo mục tiêu xóa bỏ lao độnng trẻ em đang bị ngừng trệ. Đây là lần đầu tiên trong gần 2 thập kỷ, thế giới chứng kiến sự gia tăng số lượng lao động trẻ em, cùng với đó là hàng triệu trẻ em đang trở thành những đối tượng “bị tổn thương nhiều hơn” do đại dịch.
Báo cáo của ILO và UNICEF cũng ghi nhận một xu hướng và dự báo toàn cầu cho thấy, những tiến bộ nhằm chấm dứt tình trạng lao động trẻ em đã bị đình trệ, kéo theo đó là xu hướng cắt giảm 94 triệu lao động trẻ em giai đoạn 2000-2016 bị đảo ngược.
Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng, những con số nêu trên là một lời cảnh tỉnh và chúng ta không thể đứng yên khi một thế hệ trẻ đang đứng trước những rủi ro như vậy. Ông Ryder nhấn mạnh, đã đến lúc cần đưa ra những cam kết và hành động mới để xoay chuyển tình thế, cũng như phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói và lao động trẻ em.
Theo phân tích của ILO, lao động trẻ em là một vấn nạn nhức nhối, làm gia tăng tình trạng đói nghèo giữa các thế hệ, đe dọa kinh tế quốc gia và cắt giảm các quyền lợi được đảm bảo trong Công ước về quyền trẻ em.
Lao động trẻ em là hệ lụy của nhiều nguyên nhân về kinh tế, xã hội như nghèo đói, các chuẩn mực xã hội, thiếu cơ hội làm việc phù hợp cho người lớn và thành niên, tình trạng di cư và một số trường hợp khẩn cấp. Điều này dẫn tới bất bình đẳng xã hội và phân biệt đối xử. Các chuyên gia khuyến cáo, bất kỳ hành động hiệu quả nào chống lại lao động trẻ em đều phải dựa trên sự thừa nhận và nỗ lực khắc phục những ổn hại về thể chất và tinh thần mà trẻ em phải đối mặt do nghèo đói, xa lánh và di cư.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho rằng, cuộc chiến chống lại nạn lao động trẻ em sẽ trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Các biện pháp phong tỏa, gián đoạn kinh tế, ngân sách thu hẹp …do tác động bởi dịch bệnh sẽ khiến nhiều gia đình bị đẩy vào tình thế buộc phải để trẻ em lao động kiếm thêm thu nhập. Để khắc phục thực trạng này, bà Fore kêu gọi chính phủ các nước và các ngân hàng phát triển quốc tế ưu tiên đầu tư vào những chương trình giúp đưa trẻ em ra khỏi lực lượng lao động để quay lại trường học và đầu tư thêm vào an sinh xã hội.
Ngày Thế giới chống Lao động Trẻ em, viết tắt là WDACL (World Day Against Child Labour) là ngày 12/6 hàng năm. Đây là ngày được ILO đưa ra năm 2002 và được Liên hợp quốc công nhận, nhằm nâng cao nhận thức và hành động để ngăn chặn lao động trẻ em. Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em năm nay có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến kéo dài và phức tạp, làm gia tăng số lao động trẻ em.
Năm 2021 này là Năm Quốc tế xóa bỏ lao động trẻ em, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trong nghị quyết năm 2019, do ILO phối hợp với Liên minh đối tác toàn cầu 8.7 phát động, nhằm kêu gọi các chính phủ triển khai những hành động cần thiết để thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7 của Liên hợp quốc. Năm Quốc tế xóa bỏ lao động trẻ em đóng vai trò tiền đề cho Hội nghị Toàn cầu V về Lao động Trẻ em (VGC), dự kiến diễn ra tại Nam Phi vào năm 2022. Sự kiện này sẽ mở ra cơ hội để các bên liên quan sẽ chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các cam kết bổ sung về việc chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025, và lao động cưỡng bức, buôn bán người và nô lệ hiện đại vào năm 2030./.
Theo https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/cham-dut-lao-dong-tre-em-582982.html