Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người trưởng thành tại Ấn Độ. |
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 9/6, đã có 158.133.935 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 12.842.257 ca bệnh đang điều trị, có 12.756.329 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 85.928 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 91.227 ca nhiễm, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (52.448 ca) và Mỹ (13.542 ca). Tuy nhiên, Brazil lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 2.693 ca, sau đó là Mỹ (2.213 ca) và Argentina (721 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 52.758.113 ca. Trong đó, 718.143 ca đã tử vong do COVID-19 và 49.549.362 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 29.088.176; 5.300.236 và 2.980.116 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 353.557; 48.341 và 81.362 ca.
Với 46.968.755 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 9/6, châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, trong đó có 1.081.225 ca tử vong và 44.175.114 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 40.102 ca nhiễm và 1.188 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.719.937; 5.145.843 và 4.528.442 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.854 ca, sau khi có thêm 13 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (126.690 ca) và Nga (124.496 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 23.530 ca nhiễm COVID-19 và 583 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 40.027.866 và 903.645 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 34.242.866 ca nhiễm và 613.052 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.434.562 và 1.395.410 ca nhiễm, cùng 228.838 và 25.791 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 121.546 ca nhiễm và 4.575 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 29.915.694 ca và 924.607 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 52.448 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 17.038.260 vào thời điểm hiện tại, và 2.693 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 477.307 ca.
Tính đến sáng 9/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.991.358 ca, trong đó có 133.382 ca tử vong và 4.492.103 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.704.058 ca nhiễm và 57.183 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 4.209 ca nhiễm và 120 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 522.003 và 358.183 ca nhiễm bệnh cùng 9.187 và 13.126 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 69.646 ca nhiễm (tăng 141 ca) và 1.254 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 10 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.204 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, vấn đề sản xuất, phân bổ và tiêm phòng vaccine đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
Quỹ Mastercard đã thông báo một sáng kiến trị giá 1,3 tỷ USD nhằm thúc đẩy chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19. Sáng kiến này được triển khai thông qua mối quan hệ đối tác với Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi.
Trong khi đó, hai hãng dược phẩm của Mỹ và Đức lần lượt là Pfizer và BioNTech thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 12 tuổi trở xuống. Hai hãng được sẽ thực hiện một nghiên cứu trên gần 4.500 trẻ em tại hơn 90 cơ sở khám bệnh ở Mỹ, Ba Lan, Tây Ban Nha và Phần Lan. Nghiên cứu cũng sẽ tuân theo một chế độ sử dụng vaccine cụ thể cho các nhóm tuổi nhất định. Theo đó, trẻ em từ 5 - 11 tuổi được cung cấp một liều 10 microgam vaccine, trong khi trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi sẽ được tiêm 3 microgam vaccine.
Ngoài ra, hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc cho biết các nhà chức trách nước này đã cấp phép cho việc tiêm vaccine của hãng cho trẻ 3 tuổi.
Trước diễn biến dịch bệnh khả quan hơn cùng với chương trình tiêm phòng vaccine được đẩy mạnh tại nhiều nước trên thế giới, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 5,6%, nhanh hơn 1,5% so với dự báo đưa ra tháng 1/2021 và là mức tăng nhanh nhất trong vòng 80 năm qua. Tuy nhiên, WB cảnh báo nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước nghèo, đang bị bỏ lại phía sau và phải mất nhiều năm mới có thể quay trở lại mức tăng trưởng trước khi đại dịch bùng phát./.