Các tổ chức LHQ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phòng chống thiên tai
Khẳng định các cơ quan LHQ luôn sát cánh cùng Việt Nam, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra nêu rõ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp.Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra phát biểu từ đầu cầu Bộ NNPTNT. |
Ông chia sẻ, ngay trong nửa đầu năm 2020, Việt Nam đã trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long trong hơn một thập kỷ qua, sau đó thì tháng 10-11/2020, miền Trung bị tác động bởi nhiều hiện tượng thời tiết, gây lũ lụt nghiêm trọng trên diện rộng, sạt lở đất, nước dâng do bão lũ và gió giật mạnh. Tất cả những điều này xảy ra trong khi toàn quốc căng mình để thực hiện các biện pháp toàn diện, kịp thời, hiệu quả để giảm sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Trong 3 thập kỷ qua, các thiên tai liên quan đến khí hậu ở Việt Nam đã gây ra thiệt hại ước tính trung bình hằng năm từ 1-1,5% GDP và trung bình hằng năm có khoảng hơn 130 người thiệt mạng. Tính riêng năm 2020, Việt Nam đã phải chịu thiệt hại 1,7 tỷ USD và khoảng 360 người bị thương. Ngoài ra, theo ước tính của Việt Nam, chi phí cho thích ứng với biến đổi khí hậu có thể vào khoảng 3% GDP tính đến năm 2030 và đây thực sự là những con số rất lớn, ông Kamal Malhotra phát biểu từ đầu cầu Bộ NN&PTNT.
Những hiện tượng thiên tai thời gian qua làm nổi lên vấn đề là rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu kết hợp với các rủi ro liên quan đến sức khỏe khác có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thành tựu phát triển chung của Việt Nam. Những mối nguy này cũng làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương và chênh lệch giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số, các gia đình nghèo cũng như phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật.
“Tác động của các thiên tai gần đây cùng với đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng các gia đình và các cộng đồng dễ bị tổn thương có khả năng tái nghèo cao hơn vì họ có khả năng phục hồi chậm hơn”, ông Kamal Malhotra nói. Nếu không được giải quyết kịp thời, những mối nguy này có thể gây ra tác động nghiêm trọng về lâu dài và dẫn đến những bất bình đẳng.
Đại diện cho 20 cơ quan LHQ tại Việt Nam, là trưởng nhóm của nhiều đối tác phát triển tham gia các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với thiên tai, ông Kamal Malhotra cho biết, LHQ và các tổ chức phát triển khác đã hỗ trợ cho sáng kiến nâng cao nhận thức của người dân.
Để ứng phó với thiên tai, LHQ và các đối tác phát triển khác đã hỗ trợ kịp thời và có giá trị bằng cách huy động các nguồn lực quan trọng và cấp thiết để thực hiện các chương trình phục hồi sau thiên tai. Đặc biệt, LHQ đã huy động các nguồn lực quốc tế bao gồm nguồn lực đóng góp từ Quỹ ứng phó khẩn cấp trung tâm của LHQ để giải quyết các vấn đề liên quan đến lũ lụt vào năm 2020 cũng như hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với COVID-19.
LHQ thông qua cơ quan phát triển của LHQ là UNDP đã huy động hơn 60 triệu USD để tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương do bão lũ và tăng khả năng chống chịu của cộng đồng người dân ven biển, những người sản xuất nhỏ lẻ dễ bị tổn thương, ứng phó tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu gây ra ở các vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Ông Kamal Malhotra cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc nâng cao khả năng chuẩn bị sẵn sàng và tăng cường năng lực, cải thiện công tác lập kế hoạch, đặc biệt là ở các địa phương sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam.
Khẳng định các cơ quan LHQ luôn sát cánh cùng Việt Nam, ông Kamal Malhotra nêu rõ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp. “Chúng tôi sẽ không chỉ duy trì sự tham gia của mình mà còn cam kết tăng cường sự hỗ trợ Chính phủ và người dân Việt Nam, đặc biệt là thông qua việc thực hiện khung hợp tác giữa LHQ với Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2022-2026 đang được xây dựng”.
Theo một số báo cáo, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn ra hết sức phức tạp, dị thường với gần 500 đợt ở quy mô quốc gia và khu vực; với 30 cơn bão xuất hiện trên khu vực Đại Tây Dương đã vượt mức kỷ lục; mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống song thiên tai đã làm 8.200 người chết, mất tích, tổng thiệt về kinh tế trên 210 tỷ USD và tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, khu vực.
Ở Việt Nam, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền; bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hướng rất lớn các hoạt động phòng chống thiên tai. Trong năm 2020, đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng với 357 người chết. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 40.000 tỷ đồng.