Nhu cầu hàng hóa thế giới phục hồi, xuất khẩu tiếp tục khởi sắc
Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng.
Điện thoại và linh kiện tiếp tục đóng góp giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 21,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh minh họa. |
Xuất khẩu duy trì đà tăng
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 5/2021 bị tác động bởi làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính vẫn duy trì đà tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%.
Đặc biệt, nhóm 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD tiếp tục giữ vững, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,8%. Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 21,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD, tăng 26%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,9 tỷ USD, tăng 74,8%; hàng dệt may đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15%; giày dép đạt 8,5 tỷ USD, tăng 26,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,6 tỷ USD, tăng 61,3%....
Riêng trong tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản có sự gia tăng nhưng nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung lại giảm nhẹ so với tháng trước.
Mặc dù chậm lại trong 2 tháng gần đây, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn duy trì mức tăng trưởng cao 34,3% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 113,05 tỷ USD, chiếm 86,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đà tăng trưởng này đến từ hầu hết các mặt hàng chủ chốt của nhóm như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 19,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng tới 74,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 61,3%...
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng dệt, may mặc và giày dép các loại cũng có sự phục hồi rõ nét trở lại với mức tăng trưởng 15% và 26,4% so với 5 tháng năm 2020.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,6%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.
Ở chiều ngược lại, hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất là tín hiệu tốt chứng minh cho sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thủy sản ghi nhận sự tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm nay. Ảnh: VASEP |
Kịp thời ứng biến trong bối cảnh mới
Đại diện Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam tham gia vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhìn nhận, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Còn trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia, vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia hay Thái Lan phải áp đặt phong tỏa và thắt chặt các biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
"Trong tình hình này, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích.
Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh COVID-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước; đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước.
Đối với xuất khẩu nhóm hàng hóa nông - lâm - thủy sản, các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai căn cứ tình hình thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả làm việc vào Thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ để xử lý hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) trong thời gian sớm nhất đối với nông sản xuất khẩu, đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn như vải.
Các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, báo cáo Bộ ngay khi có dấu hiệu nông sản xuất khẩu ùn tắc ở cửa khẩu.