“Cam kết bỏ thuốc lá” là chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2021.

Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của WHO.

Ngày Thế giới Không Thuốc lá (World No Tobacco Day) được chọn vào ngày 31/5 hàng năm, theo Nghị quyết Resolution 42.19 của WHO.  Mục đích của WHO muốn tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu.Mục đích xa hơn của ngày này là gây sự chú ý của cộng đồng đến tác hại của thuốc lá đối với người hút chủ động cũng như bị động, mà hàng năm cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người trên toàn cầu.

Thuốc lá khiến hơn 8 triệu người trên toàn cầu tử vong mỗi năm

Theo nghiên cứu của WHO, khói thuốc lá chứa tới hơn 7000 chất phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotine... Bên cạnh đó, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu. Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh như: Bệnh tim mạch, bệnh ung thư, bệnh hô hấp, bệnh răng và lợi và một số bệnh khác làm tăng nguy cơ loãng xương gây đau nhức cơ thể, khó ngủ và giảm thể lực cơ thể do thiếu ôxy mãn tính…

Thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.

Người trực tiếp hút thuốc lá, hay còn gọi hút thuốc chủ động, nguy cơ cao mắc các bệnh nan y như ung thư, tim mạch, phổi… Tuy nhiên, đối với người không hút thuốc, hay gọi là hút thuốc thụ động, là hít phải khói thuốc từ điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra, cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm. Nguyên nhân do khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất độc hại.

Phụ nữ và trẻ em là một trong hai đối tượng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động. Đối với phụ nữ khi mang thai, việc hít phải khói thuốc thụ động có thể bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc đẻ non. Nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp ba lần so với phụ nữ không hút thuốc.

Đối với trẻ em, hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Khói thuốc thụ động làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200 đến 400 gram. Mặt khác, trẻ hút thuốc thụ động sẽ kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29/4/2020 cho thấy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.

COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại virus SARS-CoV-2 và các bệnh khác. Hút thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và đái tháo đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm COVID-19. Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc khi mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn .

Vì một môi trường xung quanh không khói thuốc…

COVID-19 tấn công phổi, trong khi hút thuốc lá làm phổi dễ bị
tổn thương hơn. 

Thuốc lá vô cùng độc hại đối với sức khỏe con người. Hút thuốc lá không những gây hại cho người hút mà còn ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người vẫn hút thuốc lá và đây trở thành một thói quen khó bỏ.

Theo WHO, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19, đặc biệt ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, đái tháo đường…

Gần 60% người sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới muốn bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, chỉ có 30% dân số toàn cầu được tiếp cận với các dịch vụ cai nghiện thuốc lá có chất lượng. Nhiều chính phủ đang đạt được tiến bộ trong cuộc chiến phòng chống thuốc lá. Nhưng báo cáo mới đây của WHO về đại dịch thuốc lá toàn cầu cho thấy, nhiều quốc gia vẫn chưa thực hiện đầy đủ các chính sách, bao gồm giúp mọi người bỏ thuốc lá, có thể cứu được nhiều mạng sống khỏi thuốc lá. Theo báo cáo, chỉ có 23 quốc gia đang cung cấp dịch vụ cai nghiện ở mức độ thực hành tốt nhất.

Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 2021, Diễn đàn của Hiệp hội Hô hấp Quốc tế (FIRS), trong đó Sáng kiến Toàn cầu về Hen phế quản (GINA) là một thành viên sáng lập, kêu gọi các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách thực hiện các cam kết chính trị và tài chính lớn hơn để hỗ trợ và quảng bá các dịch vụ cai nghiện thuốc lá.

Thông qua chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, WHO mong muốn phát động chiến dịch hướng đến mục tiêu 100 triệu người trên thế giới cam kết và bắt đầu nỗ lực  bỏ thuốc lá.

Giảm tỷ lệ hút thuốc lá có thể giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Để khuyến khích mọi người từ bỏ thuốc lá, WHO cũng cho biết những lợi ích mang lại của việc bỏ thuốc lá gần như là ngay lập tức: Chỉ sau 20 phút bỏ thuốc lá, nhịp tim của bạn sẽ giảm xuống.Trong vòng 12 giờ, nồng độ carbon monoxide trong máu giảm xuống mức bình thường. Trong vòng 2-12 tuần, hệ tuần hoàn được cải thiện và chức năng phổi tăng lên.Trong vòng 1-9 tháng, ho và khó thở giảm dần. Trong vòng 5-15 năm, nguy cơ đột quỵ giảm xuống như nguy cơ của người không hút thuốc. Trong vòng 10 năm, tỷ lệ tử vong do ung thư phổi chỉ bằng một nửa so với một người hút thuốc. Trong vòng 15 năm, nguy cơ mắc bệnh tim như nguy cơ mắc bệnh tim của người không hút thuốc

WHO liên tục đánh giá các nghiên cứu mới, bao gồm các nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá, sử dụng nicotine và COVID-19. WHO kêu gọi các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và giới truyền thông nên thận trọng về việc khuếch đại các tuyên bố chưa được chứng minh rằng thuốc lá hoặc nicotine có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19. Hiện tại chúng ta không có đủ thông tin để xác nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa thuốc lá hoặc nicotine trong việc phòng ngừa hoặc điều trị bệnh COVID-19.

Các liệu pháp thay thế nicotine, như kẹo cao su và miếng dán được thiết kế để giúp người hút thuốc bỏ thuốc lá. WHO khuyến cáo người hút thuốc nên bắt đầu thực hiện ngay các bước để bỏ thuốc bằng cách sử dụng các phương pháp đã được chứng minh, như tư vấn bỏ thuốc qua số điện thoại miễn phí, chương trình nhắn tin giúp bỏ thuốc qua điện thoại di động và liệu pháp thay thế nicotine.

WHO nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nghiên cứu có hệ thống, chất lượng cao và được phê duyệt về mặt đạo đức sẽ góp phần cải thiện sức khỏe cá nhân và cộng đồng. WHO đồng thời cảnh báo việc quảng bá các can thiệp chưa được chứng minh có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Trước những tác hại của thuốc lá như trên, WHO khuyến cáo những người đang sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới hãy bỏ thuốc lá ngay từ hôm nay để có một cơ thể khỏe mạnh không còn tích luỹ chất độc, loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh như trên. Theo phân tích của các nhà khoa học nếu chúng ta bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm được 50% nguy cơ tử vong trước 65 tuổi, giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 01 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sau khi bỏ thuốc 10 năm. Vì một cộng đồng không khói thuốc và vì sức khỏe của mỗi người, chúng ta “Hãy để môi trường xung quanh không khói thuốc lá”.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/vi-mot-moi-truong-xung-quanh-khong-khoi-thuoc-581930.html