Mọi người xếp hàng để được kiểm tra COVID-19 tại một khu chợ ở Guwahati, Ấn Độ, ngày 26/5/2021. |
Còn về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 27/5 cho thấy, hiện toàn thế giới có 150.702.877 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 14.856.278 ca bệnh đang điều trị thì có 14.761.448 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 94.083 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 46.355.236 trường hợp, trong đó có 1.065.732 ca tử vong và 43.071.974 ca được điều trị khỏi.
Tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh đã khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước tại châu Âu có nhiều cải thiện và cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường do các lệnh hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo thận trọng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Trong một nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, ngày 26/5, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu AstraZeneca cung cấp vaccine theo đúng kế hoạch, đồng thời cảnh báo hãng dược phẩm này sẽ phải bồi thường thiệt hại lên tới hàng tỷ euro nếu không tăng lượng cung vaccine ngừa COVID-19 vào tháng tới. Trong thông báo, luật sư của EU - ông Rafael Jafferali nói rằng Ủy ban châu Âu (EC) muốn AstraZeneca phải trả mức phạt 10 euro/liều/ngày nếu hãng này không cung cấp cho khối số lượng 20 triệu liều vaccine bổ sung vào cuối tháng 6. Ông nhấn mạnh công ty “thậm chí không cố gắng tôn trọng hợp đồng” với EU.
Yêu cầu bồi thường trên là một phần trong vụ kiện của EC nhằm buộc AstraZeneca phải cung cấp 90 triệu liều vaccine trong quý 2 năm nay, thay vì 70 triệu liều theo kế hoạch hiện tại. Động thái này là bước mới trong bất đồng giữa EU và AstraZeneca về sự thiếu hụt nguồn cung theo hợp đồng cung cấp 300 triệu liều vaccine giữa hai bên. Ban đầu, AstraZeneca dự kiến cung cấp 300 triệu liều vaccine cho EU trong 6 tháng đầu năm nay, song kế hoạch này đã bị cắt giảm xuống chỉ còn 100 triệu liều do công ty gặp khó khăn về sản xuất. EC muốn tòa án yêu cầu AstraZeneca nâng con số này lên 120 triệu liều.
Hiện Bắc Mỹ có 39.599.561 ca nhiễm bệnh, trong đó có 888.279 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện do những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng, song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 33.971.207 ca nhiễm và 606.179 ca tử vong vì COVID-19.
Liên quan tới những tiến bộ trong phương thức điều trị COVID-19, ngày 26/5, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể do hai hãng dược phẩm Vir Biotechnology và GlaxoSmithKline phối hợp phát triển. FDA cho biết thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể này có tên Sotrovimab, chỉ được chỉ định cho người từ 12 tuổi trở lên và mắc COVID-19 ở thể nhẹ đến trung bình. Thuốc không được chỉ định cho những bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện hoặc thở máy. Trong khi đó, Vir Biotechnology và GlaxoSmithKline cho biết loại thuốc trên sẽ được cung cấp cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trong những tuần tới. Hai hãng dược này cũng có kế hoạch nộp đơn đăng ký tiếp thị sản phẩm lên FDA vào nửa cuối năm nay.
Tính đến sáng 27/5, Nam Mỹ có 28.143.640 ca nhiễm COVID-19, với 763.945 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 16.275.440; 3.622.135; 3.294.101; 1.932.255… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 50.073.582 trường hợp, với 663.183 ca tử vong và 45.561.697 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 3.848.702 ca bệnh đang điều trị thì có 30.910 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 27.367.935 ca, trong đó có 315.263 ca tử vong.
Tính đến sáng 27/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.830.593 trường hợp, trong đó có 129.620 ca tử vong và 4.355.069 ca bình phục. Trong tổng số 345.904 ca đang điều trị thì có 2.702 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.645.555 ca nhiễm COVID-19 và 56.077 ca tử vong vì dịch bệnh.
Hiện châu Đại Dương có 67.845 trường hợp nhiễm COVID-19, với 1.249 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 30.063 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.855 ca./.
https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/chau-a-van-la-diem-nong-covid-19-tren-the-gioi-581642.html