Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương

Những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai rất quan tâm tới hoạt động giáo dục truyền thống, nhất là lịch sử địa phương gắn với các sự kiện của quốc gia, dân tộc. Mỗi dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh (2/9), ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12),… các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thường có những bài giảng, hoạt động giáo dục thiết thực nhằm khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước trong “thế hệ măng non”.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh tiếp chuyện tôi sau khi vừa trực tiếp chỉ đạo cán bộ hướng dẫn, giới thiệu một đoàn hơn 200 học sinh của Trường THPT số II Bắc Hà tới tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng. Theo thống kê của đơn vị, tháng 1 năm 2021, Bảo tàng tỉnh đón tiếp và giới thiệu 5 đoàn học sinh gồm 1.441 em tới tham quan; đến tháng 4/2021, Bảo tàng tỉnh đã đón và giới thiệu 15 đoàn với gần 3.000 lượt học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh tới tham quan, học tập. Theo Phó Giám đốc Nguyễn Mạnh Cường, sở dĩ con số tăng vọt trong tháng 4 do liên quan trực tiếp đến 2 sự kiện lịch sử là ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và mốc son Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (thành phố Lào Cai) giảng môn Lịch sử gắn với hình ảnh trực quan. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều tháng giãn cách xã hội nhưng Bảo tàng tỉnh vẫn đón hơn 22.000 lượt khách tới tham quan, tìm hiểu lịch sử cách mạng, trong đó gần 90% là học sinh phổ thông và sinh viên. Ngoài góc chuyên đề “Em yêu lịch sử Lào Cai” và khu trưng bày lịch sử tỉnh Lào Cai qua các thời kỳ, lịch sử cách mạng thì các dữ kiện, tài liệu lịch sử trưng bày tại Bảo tàng tỉnh liên quan tới Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5) được học sinh quan tâm đặc biệt, nhất là cấp THCS và THPT.

Ngoài tham quan Bảo tàng tỉnh, nhiều trường còn có nhiều hoạt động, mô hình để giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng cho học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai dẫn học sinh khối lớp 5 năm tới “Công viên Hoàng Văn Thụ” để minh họa bài học liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là góc sáng tạo đặc biệt trong khuôn viên nhà trường, nổi bật là bức phù điêu lớn được dựng lên có hình ảnh nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ và niềm vui chiến thắng của các chiến sỹ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. “Lịch sử cách mạng là một chuỗi logic, việc giảng dạy sẽ hiệu quả hơn nếu gắn với những hình ảnh trực quan sinh động”, cô giáo Quỳnh Nga khẳng định.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan Anh cho hay: Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ hiện có 30 lớp với 1.006 học sinh. Nhà trường đang nỗ lực phấn đấu thực hiện các tiêu chí trường học chất lượng cao sau khi đạt các mức độ chuẩn quốc gia. Một trong những biện pháp là nhà trường quyết tâm xây dựng các kế hoạch giáo dục theo hướng tự chủ nhằm phát huy năng lực của cán bộ, giáo viên và phát triển khả năng toàn diện của học sinh. Ví như việc giảng dạy môn Lịch sử, các giáo viên sẽ vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung để đưa tư liệu lịch sử của địa phương vào bài giảng. Cụ thể, khi nói về Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, song song với việc truyền đạt các dữ liệu cần thiết, cô giáo thường giảng về bối cảnh lịch sử Lào Cai khi đó, số người địa phương tham gia chiến dịch, vị trí, vai trò của tỉnh trong chiến thắng này ra sao. Trường cũng rất coi trọng giáo dục lịch sử, truyền thống của địa phương gắn với việc cho học sinh tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng; tổ chức các hội thi, sinh hoạt chuyên đề bằng hình thức trình chiếu video, sân khấu hóa những nội dung trong dịp kỷ niệm như ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), Cách mạng tháng Tám, ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12)...

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai, trên địa bàn thành phố hiện có 58 trường phổ thông thì có tới 50 trường tổ chức các hoạt động giáo dục lịch sử quy mô cấp trường. Việc dạy lịch sử gắn với giáo dục lòng yêu nước được yêu cầu tích hợp vào nhiều môn học, ngoài môn Lịch sử còn có môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, Đạo đức, Địa lý... Với bậc học mầm non có các hoạt động mang chủ đề “uống nước nhớ nguồn”, thi vẽ tranh về các nhân vật lịch sử, các chiến thắng lừng lẫy của quân và dân ta trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước…

Giáo dục lịch sử truyền thống là một trong những yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai. Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thạc sỹ ngành Sử học khi trò chuyện với phóng viên đã nhấn mạnh rằng: Việc giảng dạy môn Lịch sử trong các cấp học trên địa bàn tỉnh không gò bó theo giáo trình mẫu, sách giáo khoa, ngành cho phép các trường học, thầy cô giáo có thể linh hoạt, sáng tạo trong soạn giáo án bài giảng về giáo dục truyền thống, gắn bài học với lịch sử địa phương…; cho phép các trường chủ động biên soạn tài liệu, giáo trình có các tư liệu lịch sử riêng và tổ chức hoạt động, sinh hoạt ngoại khóa phù hợp với từng trường học, đơn vị, địa phương.

Những mốc son lịch sử của đất nước, dân tộc ngày càng lùi sâu vào quá khứ nhưng vẫn sáng ngời trong các bài giảng, trong mỗi khuôn viên trường học và được lưu trữ, bảo tồn để lớp lớp người dân Việt Nam nói chung, các thế hệ trẻ Lào Cai nói riêng mãi tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc, về tình yêu quê hương, đất nước…

http://baolaocai.vn/bai-viet/211653-khoi-day-niem-tu-hao-dan-toc-tinh-yeu-que-huong

Theo Cao Cường/LCĐT

Tin Liên Quan

Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024 - Hứa hẹn gay cấn nhờ ngoại binh

Giai đoạn 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 – 17/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai hứa hẹn đầy kịch tính và hấp dẫn khi các đội có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, đặc biệt là lực lượng vận động viên ngoại binh khi 8 trong số 9 đội bóng đã ký hợp...

Phấn đấu vượt tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông

Chiều 3/11, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng về tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông.

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...