Indonesia: Kỳ vọng từ chương trình tiêm chủng ‘Hợp tác cùng nhau’
Việc tiến hành song song chương trình tiêm chủng quốc gia và chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên "Gotong Royong" (Hợp tác cùng nhau) được kỳ vọng sẽ giúp nước này sớm đạt được miễn dịch cộng đồng và mở cửa trở lại nền kinh tế.Các doanh nghiệp có nhu cầu cần đăng ký với Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia. Ngoài việc chịu chi phí mua và tiêm vaccine, các công ty phải báo cáo về số lượng nhân viên và người nhà tham gia chương trình tiêm chủng này. Dữ liệu này dùng để quyết định số lượng liều vaccine để đặt hàng cũng như để bảo đảm không có ai tham gia cả hai chương trình tiêm chủng của nhà nước và tư nhân.
Bộ Y tế Indonesia sẽ quy định về giá trần cho mỗi liều vaccine cũng như chi phí tiêm.
Hôm 10/5, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chi phí tiêm vaccine phòng COVID-19 trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng tư nhân là 500.000 rupiah (35,2 USD) mỗi liều.
Phát biểu họp báo trực tuyến từ Phủ Tổng thống ở Jakarta, Bộ trưởng Airlangga nêu rõ: "Giá vaccine là 375.000 rupiah/liều và chi phí tiêm là 125.000 rupiah. Tổng cộng là 500.000 rupiah". Với hai liều tiêm, tổng số tiền mà mỗi người phải bỏ ra là 1.000.000 rupiah.
Hiện Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị 500.000 liều vaccine Sinopharm trong tổng hợp đồng 7,5 triệu liều với hãng dược của Trung Quốc. Ngoài Sinopharm, chương trình tiêm chủng “Hợp tác cùng nhau” cũng sẽ sử dụng vaccine Cansino với tổng cộng 5 triệu liều.
Chính phủ Indonesia quyết định chương trình tiêm chủng tư nhân cần tập trung vào các công ty sử dụng nhiều lao động, đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ cao về COVID-19.
Được biết trong ngày đầu tiên phát động, đã có hơn 20.000 công ty đăng ký tham gia chương trình.
Với sự tham gia của khu vực tư nhân, Indonesia hy vọng sẽ có 70-80 triệu người được tiêm chủng vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay, hướng tới mục tiêu tiêm chủng được 2/3 dân số vào tháng 3/2022.
Theo Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Cecep Herawan, khoảng 16 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) sẽ được chuyển đến Indonesia vào cuối tuần này. Tại phiên điều trần trước Ủy ban I của Hạ viện ngày 18/5, ông Cecep cho hay Chính phủ đang thực hiện 2 chiến lược nhằm bảo đảm nguồn cung vaccine. Chiến lược thứ nhất là thiết lập hợp tác quốc tế ngắn hạn, cả trong khuôn khổ song phương lẫn đa phương. Chiến lược thứ hai mang tính dài hạn với việc hỗ trợ phát triển vaccine trong nước.
Theo ông Cecep, cho đến nay, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 75,9 triệu liều vaccine, trong đó có 68,5 triệu liều vaccine Sinovac, 6,4 triệu liều vaccine AstraZeneca được tiếp nhận thông qua Cơ chế Covax, 500.000 liều vaccine Sinopharm nhập khẩu từ Trung Quốc và 500.000 liều vaccine Sinopharm nhập khẩu từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dành cho chương trình tiêm chủng tư nhân.
Ngoài ra, Chính phủ Indoneisa đã mua một số loại vaccine thông qua các kênh song phương dành cho chương trình tiêm chủng quốc gia, cụ thể là AstraZeneca, Novavax và Pfizer. Số vaccine này dự kiến sẽ được bàn giao dần trong năm nay.