Nhiều lợi ích khi sử dụng hệ thống thu phí điện tử không dừng
Ứng dụng công nghệ trong giao thông vận tải đang trở thành xu thế tất yếu. Triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng được Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ bắt buộc nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội.Hiện nay, các tuyến quốc lộ ở Việt Nam có tổng chiều dài trên 17.300 km và khoảng 2 triệu xe cơ giới đang lưu thông. Tại các trạm thu phí, xe qua trạm phải mua vé và soát vé thủ công nên mất nhiều thời gian, gây ùn tắc cục bộ. Để giảm tình trạng này, bề rộng mặt đường tại các trạm thu phí đường bộ mặc dù đã được mở rộng từ 4 làn thành 8 đến 10 làn nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thu phí điện tử vào quản lý hệ thống thu phí đường bộ tại Việt Nam là hết sức cần thiết.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng và Chỉ thị số 39/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Đây là một trong những hành lang pháp lý rất quan trọng để triển khai thành công hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Lợi ích mà hệ thống thu phí điện tử không dừng mang lại đã vượt trên cả những giá trị về mặt kinh tế đơn thuần. Đó là việc đem lại lợi ích đối với chủ phương tiện vân tải, tiết kiệm, thời gian lưu thông cho hành khách và hàng hóa có thể tính đếm, quy đổi thành tiền (tương đương khoảng 2.800 tỉ đồng/năm); tiết kiệm nhiên liệu sử dụng cho mỗi lần dừng đỗ và tăng tốc trở lại ở mỗi trạm thu phí khoảng 233 tỉ đồng/năm; lái xe thoải mái tinh thần khi không còn phải xếp hàng chờ mua vé sử dụng đường bộ.
Đối với chủ đầu tư BOT sẽ quản lý chính xác nguồn thu, tránh thất thoát trong quá trình thu phí; tiết kiệm được chi phí vận hành bộ máy các trạm thu phí khoảng 120 tỉ đồng/năm; tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỉ đồng/năm; tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng trạm thu phí bình quân khoảng 20 tỉ đồng/trạm, 100 trạm tương đương 2.000 tỉ đồng.
Hình thức này cũng mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước, giúp thông minh hóa hệ thống giao thông bằng các ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả; giúp cơ quan Nhà nước quản lý được các phương tiện tham gia giao thông, từ đó thực hiện được nhiều chính sách hiện đại như: Quản lý đăng kiểm xe, đăng ký xe chính chủ, phạt nguội giao thông… góp phần giảm tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí, nhất là lúc cao điểm, tăng tuổi thọ động cơ, giảm thiểu khoảng 20% số vụ tai nạn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng còn giúp tránh tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh./.