Sẵn sàng cho ngày hội lớn: Một kỳ bầu cử dân chủ, nghiêm minh
Đó là chia sẻ và kỳ vọng của nhiều nhân sĩ, trí thức khi trao đổi về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV.Cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương tích cực tham gia chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Kỹ lưỡng, công khai, minh bạch
Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được triển khai rất sớm và chu đáo theo đúng quy định của pháp luật và Hiến pháp. Năm 2019, Quốc hội tiến hành sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến bầu cử như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và ban hành một số Nghị quyết liên quan đến việc thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.
Tháng 6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW để lãnh đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngay sau khi có Chỉ thị 45, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến xã, phường đã ban hành các văn bản và thành lập Ban chỉ đạo bầu cử để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử.
Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02 và UBND các cấp đã ban hành các văn bản và kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên cả nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường trực HĐND các cấp, thường trực UBMTTQ các cấp đã ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch chi tiết cụ thể, tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Trong đó, hai văn bản rất quan trọng được ban hành là Hướng dẫn về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và Hướng dẫn về công tác thông tin tuyên truyền về công tác bầu cử và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người dân nhằm bảo đảm Cuộc bầu cử, Ngày bầu cử thực chất là ngày hội lớn của toàn dân.
Đánh giá về công tác chuẩn bị cho bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bà Bùi Thị An (ĐBQH khóa XIII) cho rằng để cuộc bầu cử có chất lượng tốt nhất, tôi theo dõi thấy ở các địa phương, các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức chính trị đều vào cuộc để chuẩn bị cho ngày bầu cử.
“So với trước đây, công tác chuẩn bị danh sách ứng cử viên rất kỹ lưỡng, công khai, minh bạch ngay từ khâu hiệp thương. Cách trao đổi giữa cử tri và các ứng cử viên rất thẳng thắn, rất dân chủ”, bà Bùi Thị An nhận xét và cho rằng, trên nền chuẩn bị như vậy thì danh sách cuối cùng để hiệp thương lần thứ 3 sẽ đưa ra danh sách ứng cử viên đạt tất cả tiêu chuẩn theo đúng quy định của Luật tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền, địa phương cũng như là yêu cầu đối với từng đại biểu dân cử.
Sự chuẩn bị nội dung kỹ hơn, cử tri cần biết về thân nhân người đó, quan tâm đến quan hệ của ứng viên đó đối với nơi cư trú thế nào, nếu tại nơi cư trú tín nhiệm dưới 50% thì không đưa vào danh sách. Như vậy việc giám sát ứng viên ngay từ nơi cư trú là điểm mới rất tốt.
Bảo đảm quyền bầu cử của nhân dân
Đồng tình với nhận định của bà Bùi Thị An, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết tại nơi ông cư trú có hai điểm mới.
Thứ nhất là cả hệ thống chính trị ở địa phương tích cực tham gia chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử. Tất cả các cấp đều ban hành các văn bản lãnh đạo công tác bầu cử, thành lập Ban Chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử.
Thứ hai là công tác chuẩn bị, phục vụ bầu cử luôn gắn liền với công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Cấp ủy, chính quyền đã ban hành văn bản và thành lập Ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện cuộc bầu cử. Các tổ chức, đoàn thể cũng như UBND chủ động trong việc rà soát công dân đủ tuổi bầu cử trên địa bàn nhằm lập danh sách cử tri một cách chính xác, đầy đủ, bảo đảm quyền bầu cử của nhân dân.
Địa phương cũng đã thành lập các tổ công tác bầu cử theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời tổ chức thông tin, tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật có liên quan đến bầu cử cho người dân trên địa bàn, nhất là tập huấn sâu cho đội ngũ thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử.
Bên cạnh đó, địa phương tăng cường tuyên truyền, cổ động trực quan tại nơi công cộng; bố trí, trang trí nơi bỏ phiếu, hòm phiếu chu đáo.
Ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP. Đà Nẵng khẳng định, qua theo dõi và giám sát, việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND khoá X của thành phố diễn ra hoàn toàn dân chủ, công khai, minh bạch, được thông tin đại chúng rõ ràng. Các báo, đài đều phản ánh một cách trung thực. Người đại diện có trách nhiệm trả lời khách quan, công khai, minh bạch, rõ ràng, không có điều gì mất dân chủ, khuất tất.
Tất cả các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đều được báo chí công khai, hội nghị hiệp thương lần thứ hai để sơ bộ danh sách bầu cử do các cơ quan địa phương giới thiệu cũng đều được công khai, minh bạch. Và đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba cũng được công khai, minh bạch những người chốt danh sách cuối cùng. Qua các buổi lấy ý kiến tại địa phương, các cử tri được lấy ý kiến bằng văn bản rất cụ thể, mỗi ứng cử viên được tín nhiệm bao nhiêu %, không tín nhiệm bao nhiêu %, đều được công khai với báo chí.
Công tác chuẩn bị để giới thiệu một ứng cử viên đều làm đúng theo quy định, rất chặt chẽ từ khâu chuẩn bị, giới thiệu, lấy ý kiến, hội nghị hiệp thương đều công khai và báo chí được tiếp cận ngay từ đầu.
“Đặc biệt sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba thống nhất chốt danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của TP. Đà Nẵng, có 1 ứng cử viên tự ứng cử được giới thiệu ra tranh cử. Điều đó đã thể hiện tính dân chủ của hội nghị hiệp thương lần thứ ba, cho thấy rằng, người được giới thiệu hay người tự ứng cử đều có quyền lợi như nhau và có trách nhiệm như nhau”, ông Dương Đình Liễu chia sẻ.
http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Ky-5-Mot-ky-bau-cu-dan-chu-nghiem-minh/431273.vgp