‘Mở’ sáng chế vaccine: ‘Sáng cửa’ chống COVID-19

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
(Ảnh minh họa)
Trong một thông báo, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp là quan trọng, tuy nhiên Washington "ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine ngừa COVID-19”. Theo bà Tai, đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và những tình hình đặc biệt của đại dịch COVID-19 cần các biện pháp đặc biệt. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán của WTO sẽ mất thời gian do việc phải dựa trên sự đồng thuận của thể chế và mức độ phức tạp của các vấn đề liên quan.

Theo thông báo, Mỹ sẽ bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán của WTO về việc dỡ bỏ các rào cản mà theo những người ủng hộ sẽ giúp cho việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 phổ biến cũng như giúp các nước có thu nhập thấp tự điều chế được vaccine.

Trước đó, ngày 2/10, Nam Phi và Ấn Độ đã nộp văn bản đề xuất cấp miễn trừ tạm thời một số nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã kêu gọi các nước ủng hộ sáng kiến trên của Pretoria và New Delhi.

Theo dự kiến, WTO sẽ tổ chức một cuộc họp bàn về vấn đề này vào ngày 10/5 tới đây.

Thông báo của phía Mỹ mở ra hy vọng lớn để các nước có thu nhập thấp và trung bình vốn khan vaccine có cơ hội tự sản xuất và đối phó với đại dịch hiệu quả hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng điều này giúp tăng sản lượng vaccine tại các nước đang phát triển, nơi cho đến nay nhận được quá ít vaccine. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm lớn cũng như các nước mà các hãng này đặt trụ sở hầu như phản đối. Họ cho rằng bản quyền đối với vaccine không phải là rào cản chính ảnh hưởng đến sản lượng; việc sản xuất vaccine không thể tăng tốc chỉ bằng cách gỡ bỏ bằng sáng chế. Chưa kể điều này còn có thể cản trở sự sáng tạo, dẫn tới thụ động trong nghiên cứu nếu xảy ra một đại dịch mới.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ thay đổi quan điểm, tín hiệu tích cực cũng xuất hiện ở nhiều nước khác.

Ông Heiko Maas - Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết: "Chúng tôi sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận về việc gỡ bỏ bằng sáng chế trong tình huống ngoại lệ. Nếu đây là cách để tiêm chủng cho nhiều người hơn và nhanh hơn, thì đó là điều mà chúng tôi phải suy nghĩ. Bởi vì việc ngăn chặn đại dịch chỉ hiệu quả nếu mọi người, mọi nơi trên thế giới đều an toàn".

Ông Mevlut Cavusoglu - Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: "Tất nhiên, việc tôn trọng bản quyền của các công ty là cần thiết, đó là sự đầu tư, phát minh nghiêm túc. Chúng ta không thể bỏ qua điều đó, nhưng các nước cần hợp tác tốt hơn trong việc đồng sản xuất".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo, EU sẵn sàng thảo luận bất kỳ đề xuất nào giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh theo một cách hiệu quả và thực tế. Vì thế, EU sẵn sàng xem xét đề xuất của Mỹ về miễn trừ bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với các vaccine ngừa COVID-19, để xem đạt được mục tiêu này như thế nào.

Có hàng trăm loại vaccine đang được phát triển trên thế giới, nhưng trong số đó, hiện nay 89 loại đang bước vào thử nghiệm lâm sàng trên người. Ít nhất đã có 23 loại đang ở bước thử nghiệm cuối, 5 loại đang được sử dụng hạn chế, 8 loại đã được sử dụng rộng rãi.

Hầu hết tất cả các loại vaccine COVID-19 đang được sử dụng trên thế giới đều được cấp phép khẩn cấp, tức là sản xuất song song với thử nghiệm rồi tiêm luôn, chứ không phải là thử nghiệm, phê duyệt, rồi mới sản xuất và tiêm.

Có 3 công nghệ vaccine chính, nó là các cách khác nhau cho cơ thể nhận biết virus. Mà ở đây những kháng nguyên - protein gai trên virus chính là chìa khóa kích hoạt kháng thể.

Trong số các nhà sản xuất vaccine lớn của thế giới có 2 công ty Mỹ là Pfizer và Moderna. Đây là 2 công ty sở hữu vaccine COVID-19 được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Những quyết định của WTO thì đều dựa trên sự đồng thuận, tức là phải có sự nhất trí của tất cả 164 thành viên.

Hiện nay, khoảng hơn 100 quốc gia ủng hộ đề xuất tạm thời bỏ bản quyền vaccine COVID-19, quan trọng là đã có được sự đồng ý từ phía Mỹ. Sản xuất vaccine chống COVID-19 hiện giờ không chỉ còn là vấn đề về kinh tế, mà còn bao gồm cả khía cạnh đạo đức. Rất nhiều quốc gia đang phát triển chật vật đối phó với dịch, vaccine khan hiếm không đủ cho người dân tiêm. Vấn đề công bằng vaccine đã được nói đến từ rất lâu và đang cần các nước lớn chung tay thực hiện.

https://baochinhphu.vn/Quocte/Mo-sang-che-vaccine-Sang-cua-chong-COVID19/430502.vgp

 

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.