Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu
Ông Umans cho rằng Việt Nam sẽ cần xây dựng cơ chế tài chính riêng để tài trợ cho việc phục hồi của ĐBSCL, đồng thời nhấn mạnh Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về các bài học, mô hình tài chính, cách thức tăng cường nguồn vốn công và thu hút đầu tư từ khối tư nhân.Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam (giữa); ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất phụ trách Nước và Biến đổi khí hậu (phải) và ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp tại Việt Nam và Thái Lan (trái) - Ảnh: VGP/Thùy Dung |
Chia sẻ về các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong việc ứng phó với BĐKH tại ĐBSCL, bà Elsbeth Akkerman cho biết: Việt Nam và Hà Lan là 2 quốc gia đồng bằng, chịu nhiều tác động của BĐKH. Hai nước là đối tác tin cậy, lâu dài và đã thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Năm 2010, lãnh đạo 2 nước đã ký kết Thỏa thuận Đối tác chiến lược (ĐTCL) về Quản lý nước và Thích ứng với biến đổi khí hậu và năm 2014, ký kết Thỏa thuận ĐTCL về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực. Hai thỏa thuận này mang tính tác động quốc gia, trong đó chú trọng tới khu vực ĐBSCL.
Năm 2017, sự ra đời của Nghị quyết 120 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam để phát triển thuận tự nhiên đối với ĐBSCL theo hướng bền vững hơn. Đại sứ Akkerman cho biết: “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để cùng tìm ra các giải pháp và cơ hội thuận thiên trong quản lý nước và nông nghiệp vì một vùng đồng bằng phát triển về kinh tế và đáng sống cho người dân”.
Tham tán Nông nghiệp tại Việt Nam, ông Schoustra bày tỏ: "Chúng tôi coi xây dựng nền nông nghiệp bền vững là một mục tiêu nhưng cũng là một công cụ để thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH và quản lý đồng bằng hiệu quả. Điều này làm cho quan hệ đối tác Việt Nam-Hà Lan trở nên độc đáo”.
Nước và nông nghiệp liên quan mật thiết với nhau, do đó, phía Hà Lan đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để tìm ra các giải pháp như xây dựng hệ thống thủy lợi dựa vào lũ hoặc hệ thống nước bị xâm nhập mặn: Hệ tống trữ nước, nâng cao chất lượng nước và hiệu quả sử dụng nước…
Ba thành tựu nổi bật trong hợp tác Việt Nam-Hà Lan
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam nhấn mạnh tới 3 thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực BĐKH bao gồm Kế hoạch ĐBSCL, Chương trình chuyển đổi nông nghiệp và Chương trình nghiên cứu về sụt lún tại ĐBSCL.
Bà Elsbeth Akkerman cho biết, Kế hoạch ĐBSCL có tầm nhìn xa, mang tính dài hạn, tích hợp và thiết lập các nguyên tắc hợp tác giữa chính quyền địa phương và Trung ương. Kế hoạch ĐBSCL cũng nêu bật công tác quản lý Nhà nước như: Tạo khuôn khổ pháp lý; Bảo đảm sự phối hợp giữa các cấp chính quyền; Phân tích thực tế và lập kế hoạch; Tài chính từ nguồn đầu tư hợp tác công-tư và Các chương trình và hành động đồng bằng cụ thể.
“Kế hoạch ĐBSCL là một trong những tiền đề và đề xuất nhiều khuyến nghị hữu ích để Việt Nam xây dựng Nghị quyết 120”, bà Elsbeth Akkerman nhấn mạnh.
Nghị quyết 120 cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi nông nghiệp một cách bền vững thích ứng với BĐKH. Từ đó, năm 2019, Thủ tướng hai nước Việt Nam và Hà Lan đã ký Bản ghi nhớ về Chương trình Chuyển đổi nông nghiệp (CTCĐNN) ở ĐBSCL.
CTCĐNN được xây dựng dựa kinh nghiệm mà Hà Lan nhưng được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hệ thống của Việt Nam.
Ông Schoustra bày tỏ hy vọng kế hoạch triển khai CTCĐNN sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2021 nhằm đưa việc hợp tác sang một giai đoạn mới và cho rằng đây là một lĩnh vực trọng tâm mà hai bên đang triển khai nhằm xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có sự tham gia của các bên liên quan (chính quyền, doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu) trong quá trình thực hiện.
Đáng chú ý, trong tháng 1 vừa qua, Ý định thư về việc thành lập Diễn đàn Kinh doanh bền vững ĐBSCL đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và 4 doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan về nông sản, làm vườn, nước và kho vận ký kết tại TPHCM. Diễn đàn này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện phát triển quan hệ đối tác công-tư (PPP) liên ngành (nước, nông nghiệp, hậu cần) nhằm khai thác tiềm năng sản xuất của ĐBSCL phục vụ tiêu dùng nội địa và cả xuất khẩu.
Thành tựu thứ 3 trong hợp tác giữa 2 nước là kết quả của việc hợp tác của các nhà khoa học 2 bên trong dự án “Thăng trầm” cho thấy BBDSCL đang bị lún xuống 1-3 cm/năm, kết hợp với việc nước biển dâng cao hằng năm có thể sẽ khiến hơn một nửa vùng đồng bằng nằm dưới mực nước biển vào năm 2080. Do đó, Việt Nam sẽ cần một khoản đầu tư lớn để bảo vệ bờ biển. Đây là vấn đề mà phía Hà Lan sẽ cùng đồng hành với Chính phủ Việt Nam thực hiện trong những năm tới thông qua Chương trình Nghiên cứu về sụt lún tại ĐBSCL, ông Schoustra khẳng định.
Phương pháp tiếp cận đa bên liên quan, tìm kiếm nguồn tài chính bền vững
Đại sứ Akkerman khuyến nghị Việt Nam không nên chỉ nhìn vào các con số tăng trưởng mà cần xem xét yếu tố chất lượng của sự phát triển nhằm phát triển bền vững ĐBSCL.
Ông Umans khuyến nghị không nên coi ĐBSCL như một nguồn cung cấp dồi dào tài nguyên đất, nước, cát và đa dạng sinh học chỉ để khai thác mà hãy coi đồng bằng như một cơ thể sống. Vì vậy, các quốc gia phải quản lý tài nguyên một cách bền vững, đáng sống và thuận tự nhiên cho thế hệ mai sau.
Theo ông Umans, một trong những cơ chế đã phát huy hiệu quả tích cực tại Hà Lan trong việc ứng phó với BĐKH là phát huy mạnh mẽ sự phối hợp giữa chính quyền, khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự (CSO).
Ông Umans chia sẻ về cơ chế tài chính đổi mới sẽ được áp dụng tại Hà Lan trong 20 năm tới, nhấn mạnh đến quỹ Delta của Hà Lan, mỗi năm sẽ tài trợ 1 tỷ USD cho các hoạt động ở nhiều cấp tại Hà Lan với mục tiêu xây dựng và bảo vệ đồng bằng. Ông cho rằng Việt Nam sẽ cần xây dựng cơ chế tài chính riêng để tài trợ cho việc phục hồi của ĐBSCL, đồng thời nhấn mạnh rằng Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về các bài học, mô hình tài chính, cách thức tăng cường nguồn vốn công và thu hút đầu tư từ khối tư nhân.