Chính phủ số tại Việt Nam sẽ được hình thành vào năm 2025

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong quý I hoặc đầu quý II/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cung cấp dịch vụ số cho người dân, toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số và Chính phủ số tại Việt Nam sẽ được hình thành vào năm 2025.
Tỷ lệ bộ, ngành, địa phương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP). Ảnh: Quang Hiếu

Nhiều kinh nghiệm trong triển khai Chính phủ điện tử

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chiều 10/3, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết đến nay phần lớn các nhiệm vụ, đề án tại Nghị quyết 17/NQ-CP đã được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai và hoàn thành.

Các nhiệm vụ được hoàn thành góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử thời gian qua, điển hình là việc xây dựng các văn bản pháp lý, các nền tảng, ứng dụng Chính phủ điện tử quy mô quốc gia. Một số kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2016-2020 được Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu cho thấy những cách làm hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trên 5 góc độ thành phần của Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam: Phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển nền tảng; phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Khắc phục hạn chế của giai đoạn trước đây về hạ tầng kỹ thuật cho Chính phủ điện tử còn kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, là điểm nghẽn của quá trình phát triển, đến nay các giải pháp thiết kế tổng thể được triển khai đồng bộ và triển khai hình thức thuê dịch vụ. Tiểu biểu là TP. Đà Nẵng đã triển khai trước, thiết kế tổng thể, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho tất cả các cơ quan Đảng, HĐND và UBND các cấp giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thay vì tự đầu tư, vận hành Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã triển khai hình thức thuê dịch vụ điện toán đám mây, kết quả Trung tâm dữ liệu đã hoạt động ổn định, hiệu quả, an toàn...

Đến hết năm 2020, hệ thống các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã được hình thành trên quy mô quốc gia theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; bao gồm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của mỗi bộ, tỉnh (LGSP) và các nền tảng này được kết nối với nhau thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh đã được phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của bộ, tỉnh và kết nối ra bên ngoài. Nếu như năm 2018 chỉ có 3 bộ, ngành, địa phương có LGSP, đạt tỷ lệ 3,2% thì đến năm 2020 đã có 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có LGSP và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Nêu hiệu quả về cơ sở dữ liệu quốc gia hiệu quả tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai đã tạo ra những cải cách lớn về đăng ký kinh doanh: Đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế trên toàn quốc; giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tin học hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ về đăng ký doanh nghiệp.

Lợi ích kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp đã phục vụ xác minh thông tin doanh nghiệp; doanh nghiệp không phải điền lại thông tin về đăng ký kinh doanh vào biểu mẫu điện tử mỗi khi sử dụng dịch vụ công; công chức xử lý hồ sơ thuận tiện, không phải nhập dữ liệu trên các phần mềm khác nhau. Bộ Giao thông vận tải kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp như: cấp giấy phép kinh doanh vận tải; cấp đổi phù hiệu xe...

"Những lợi ích này giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho xã hội", Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết và nhấn mạnh: "Khoảng 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam với hàng triệu lần thực hiện thủ tục hành chính hàng ngày cho thấy việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp có thể giúp tiết kiệm cho xã hội một giá trị hữu hình và vô hình rất lớn.

Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công mức độ 4 từ năm 2016-2020. Ảnh: Quang Hiếu

Tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 vượt mục tiêu đặt ra

Cũng trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và vận hành các ứng dụng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến hết năm 2020, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Cổng dịch vụ công để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, điều này giúp người dân dễ tiếp cận dịch vụ công, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính.

Trên 55% dịch vụ công của các cơ quan nhà nước đã được cung cấp trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4), cho phép người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính và thanh toán qua mạng. Trong năm 2020, nhờ cách làm mới, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng mạnh mẽ. Cụ thể như năm 2016, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước là 1,42% thì đến năm 2020, tỷ lệ này là 30,86% (vượt mục tiêu 30% năm 2020).

Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử để tin học hóa quá trình tiếp nhận và quản lý quá trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, điều này giúp các cơ quan nhà nước nâng cao năng suất lao động và công khai, minh bạch các hoạt động của mình.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, ngày 25/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã dự lễ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là hai Hệ thống được mong đợi trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử.

Trong quá trình triển khai hai Hệ thống, Bộ Công an đã quyết tâm với phương châm: "Đồng bộ-Hiện đại-Bảo mật cao-Tránh lãng phí". Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, cơ quan nên phần việc của 2 dự án nêu trên được gộp lại, không đầu tư tràn lan, lãng phí rút ngắn thời gian đầu tư, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, nguồn lực... tiết kiệm khoảng 1.300 tỷ đồng. Kết quả này nói lên sự cố gắng rất cao của ngành công an và các cơ quan, đơn vị phối hợp đã phát huy được trí tuệ, sáng tạo để thực hiện dự án.

Sang giai đoạn 2 của dự án nêu trên, Bộ Công an đặt ra mốc ngày 1/7/2021 cơ bản cấp xong căn cước công dân có gắn chíp để nhân dân giao dịch và bỏ bớt các thủ tục giấy tờ.

Bộ máy công quyền sẽ chuyển sang hoạt động trên môi trường số

Cho biết thêm về kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử nêu 5 kinh nghiệm trong triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian qua.

Theo đó, điều đầu tiên là cần cơ quan điều phối thống nhất, cơ quan điều hành chung để tổng hợp, giám sát, thực thi, đánh giá, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn... Thứ hai là cách làm hài hòa giữa tập trung và phân tán. Thứ ba là luôn dùng công nghệ mới nhất, trong đó công nghệ số đang thay thế CNTT cho phép dùng các nền tảng số để triển khai đồng loạt, Chính phủ điện tử vì thế cũng được thúc đẩy nhanh hơn.

Thứ tư là đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá bởi Việt Nam là nước đi sau, vì vậy phải đi nhanh và đi trước thì mới có cơ hội thay đổi thứ hạng; chỉ khi có mục tiêu cao thì công nghệ mới thường tạo ra sự đột phá trong phát triển.

Thứ năm là cần ngân sách ổn định cho xây dựng Chính phủ điện tử. Ở Việt Nam, địa phương, bộ, ngành có thể dùng 1% ngân sách hằng năm để phát triển Chính phủ điện tử, đây là mức trung bình của thế giới.

Về định hướng phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết trong quý I/2021 hoặc đầu quý II/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

"Điều quan trọng nhất của Chính phủ số là cung cấp dịch vụ số cho người dân, toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Quan điểm cơ bản phát triển Chính phủ số là: Toàn bộ hoạt động của Chính phủ an toàn trên môi trường số; có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng, đưa ra quyết định nhanh hơn, kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó là định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác nhau tham gia vào vận động của cơ quan nhà nước, tương tác cơ quan nhà nước để tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ. Cơ quan nhà nước là dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, nền tảng là giải pháp đột phá, phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt, có thể sử dụng mọi nơi. Thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, coi Chính phủ số là thị trường phát triển công nghệ.  

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, các chỉ tiêu Chính phủ điện tử sẽ cơ bản hoàn thành năm 2021 với trọng tâm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100% còn Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025. Theo đó, các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/24 theo nhu cầu, các dịch vụ công mới được cung cấp kịp thời và trên cơ sở dữ liệu mở.

Chiến lược Chính phủ số đặt ra 5 mục tiêu: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân và doanh nghiệp; sự vận hành tối ưu của cơ quan nhà nước dựa trên công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội như y tế, giáo dục, giao thông...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là chuyển đổi có tính căn bản, từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số; khái niệm hệ thống CNTT được thay bằng nền tảng số; từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận theo hướng dữ liệu; từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước và người dân, doanh nghiệp; từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị...

Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cũng sẽ đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số quốc gia, phát triển nền tảng số quốc gia, phát triển dữ liệu quốc gia, phát triển các ứng dụng quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. 

Theo Gia Huy/baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên

Sử dụng chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.

Tập trung ngăn chặn tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số 4544/BTTTT-TTra yêu cầu thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm, thuộc 4 lĩnh vực: Báo chí-xuất bản; thông tin trên mạng; bưu chính - viễn thông; an toàn thông tin.

Thủ tướng: Chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài với trách nhiệm cao nhất

Chiều ngày 27/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi, trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam...