EU tăng cường quản lý rác thải nhựa
Việc xuất, nhập khẩu rác thải nhựa không được kiểm soát và khả năng xử lý, tái chế kém hiệu quả sẽ gây tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe con người.Các công-ten-nơ rác thải nhựa trong quá trình vận chuyển.
Nhằm chấm dứt việc xuất khẩu rác thải nhựa tới các nước không đủ năng lực xử lý, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua quy định mới về xuất, nhập khẩu và vận chuyển rác thải nhựa, có hiệu lực từ tháng 1-2021.
Rác thải nhựa có thể được tái chế để giúp giảm lượng rác chôn lấp, bớt ô nhiễm môi trường, cũng như giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, trong những năm qua, rác thải nhựa nhập khẩu không được xử lý đã bị đưa vào các bãi chôn lấp, được đốt ngoài trời, đổ ra biển hoặc "mắc kẹt" trong các công-ten-nơ tại các bến cảng của nhiều nước. Cũng bởi vậy, một số quốc gia đã quyết định trả lại các công-ten-nơ rác thải nhựa về nơi xuất xứ để tránh bị biến thành nơi tập kết rác.
Các quy định được áp dụng từ ngày 1-1-2021 của Liên hiệp châu Âu (EU) nhằm chấm dứt việc xuất khẩu rác thải nhựa không phân loại sang các nước không có đủ năng lực và tiêu chuẩn cần thiết để xử lý rác thải một cách bền vững. Ðây cũng là một trong những cam kết chính của Thỏa thuận Xanh châu Âu. Bên cạnh đó, quy định mới này cũng đóng góp vào chiến lược của EU, nhằm giảm rác thải nhựa và khuyến khích việc phân loại và tái chế hiệu quả hơn. Cao ủy phụ trách môi trường, đại dương và thủy sản của EU V.Xin-kê-vi-chút khẳng định, các quy định mới này gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, các quốc gia EU sẽ chịu trách nhiệm xử lý rác thải của mình. Ðược biết, năm 2019, EU đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn rác thải nhựa, chủ yếu sang Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Á.
Quy định mới của EU sẽ kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất khẩu rác thải nhựa từ các nước EU sang các nước bên ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cũng như nhập khẩu rác thải nhựa vào EU. Theo đó, cấm các nước thành viên EU xuất khẩu rác thải nhựa độc hại và khó tái chế sang các nước không thuộc OECD. Việc xuất khẩu rác thải nhựa không nguy hiểm và có thể tái chế của EU sang các nước không phải thành viên OECD chỉ được phép thực hiện với các điều kiện cụ thể. Trong khi đó, xuất khẩu rác thải nhựa nguy hại và khó tái chế từ EU sang các nước OECD sẽ phải tuân theo thủ tục thông báo trước và phải có sự cho phép vận chuyển từ cả hai nước nhập và xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu rác thải nhựa nguy hại và khó tái chế từ các nước bên ngoài vào EU, cũng như vận chuyển bên trong EU cũng phải được kiểm soát gắt gao. Tuy nhiên, việc vận chuyển rác thải nhựa có thể tái chế bên trong EU sẽ không phải thông qua các biện pháp kiểm soát này.
Tháng 5-2019, hơn 180 nước đã quyết định bổ sung thêm nội dung vào Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng. Theo đó, thiết lập một cơ chế toàn cầu quản lý hoạt động xuất, nhập rác thải nhựa, nhằm giúp hoạt động này trở nên minh bạch hơn, diễn ra an toàn hơn với môi trường và sức khỏe con người. Bằng cách cấm xuất khẩu rác thải nhựa khó tái chế ra ngoài OECD, EU đang tiến xa hơn trong việc thực hiện các điều khoản của Công ước Basel.
Tuy định mới được áp dụng của EU cho thấy các quốc gia, thể chế đa phương đang ngày càng đưa ra những quyết định có trách nhiệm và mang tính ràng buộc hơn trong việc quản lý rác thải nhựa. Theo ông V.Xin-kê-vi-chút, quy định của EU đi vào hiệu lực sẽ bắt đầu một giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm từ rác thải nhựa, cũng như việc chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh châu Âu.
https://nhandan.org.vn/tin-tuc-the-gioi/eu-tang-cuong-quan-ly-rac-thai-nhua--631287/