Một số chính sách mới về giáo dục có hiệu lực năm 2021
Trong tháng 01/2021 sẽ có nhiều chính sách mới về giáo dục bắt đầu có hiệu lực như: Tăng tuổi nghỉ hưu với giáo viên; Quy định về tuổi của người đi học cử tuyển; Đổi mới chương trình sách giáo khoa lớp 2, lớp 6...
Tăng tuổi nghỉ hưu cho giáo viên
Từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của giáo viên sẽ tăng dần qua các năm. Cụ thể, khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp giáo viên có thể nghỉ hưu trước tuổi quy định như: giáo viên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn bao; giáo viên bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%...
Học sinh lớp 10 được học Luật An ninh mạng
Từ 11/01/2021, Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Luật An ninh mạng là một trong những nội dung học của môn giáo dục quốc phòng và an ninh. Cụ thể, học sinh phải đạt được các yêu cầu là:
- Nêu được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng;
- Bảo mật được thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng...
Người đi học cử tuyến không được quá 22 tuổi
Quy định này có hiệu lực từ ngày 23.1.2021. Đây là một trong những tiêu chuẩn chung về tuyển sinh theo chế độ cử tuyển, được quy định tại Điều 6 Nghị định 141/2020/NĐ-CP. Cụ thể, tiêu chuẩn chung về tuyển sinh theo chế độ cử tuyển gồm:
Thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này.
Đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển;
Không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.
Ngoài các tiêu chuẩn chung này, người được cử tuyển vào cao đẳng hay đại học còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể theo quy định.
Đổi mới chương trình sách giáo khoa lớp 2, lớp 6
Theo lộ trình, năm học 2021 - 2022 học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 51/2017/QH14.
Hiện nay, các bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đang trong quá trình thẩm định. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vô cùng chú trọng khâu lấy ý kiến của giáo viên bằng việc ban hành một số Công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức góp ý sách giáo khoa mới trước.
Theo Công văn 5103/BGDĐT-GDTrH, giáo viên sẽ tham gia 03 đợt góp ý về mẫu sách giáo khoa của các nhà xuất bản trước khi in và phát hành.
Học sinh vi phạm kỷ luật không còn bị đuổi học
Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/T-BGDĐT có quy định đối với học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây:
- Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm;
- Khiển trách và thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm;
- Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.
Như vậy, so với quy định cũ, hiện nay đã bỏ hình thức xử lý phê bình trước lớp, trước trường, bỏ cảnh cáo ghi học bạ và đặc biệt học sinh trung học không còn bị buộc thôi học (đuổi học) có thời hạn mà thay vào đó chỉ tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.
Công nhận dạy học trực tuyến
Năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, 24 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước không thể đến trường học tập. Với chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục dạy học qua internet.
Dựa trên kinh nghiệm dạy học trực tuyến trong thời gian vừa qua, Bộ đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tổ chức dạy học trực tuyến đối với cơ sở giáo dục. Theo dự kiến, Thông tư mới sẽ sớm hoàn thiện và ban hành trong năm 2021.